Thềm quế và cung trăng qua thi kệ của thiền sư Y Sơn


Thiền học Việt Nam bắt đầu từ thế kỉ thứ III với công lao Đại thừa hóa Thiền học Nguyên thủy của Khương Tăng Hội (? - 280). Nhưng hình thành với tư cách như một tông phái có sự truyền thừa rõ ràng thì phải đến thế kỉ thứ VI, khi Tì Ni Đa Lưu Chi (Vinītaruci, ? - 594) đặt chân đến trung tâm Phật giáo Luy Lâu thuộc Giao Châu, chính thức mở đạo tràng truyền bá tông chỉ thiền tại chùa Dâu (Pháp Vân tự) năm 580. Hạt giống thiền ấy được gieo trồng trên mảnh đất Giao Châu màu mỡ đã được vun xới bằng nền tảng thiền học Đại thừa cộng với sự thích ứng một cách linh hoạt với yêu cầu của thời cuộc nên nhanh chóng bén rễ, đơm hoa, kết trái và phát triển qua 19 thế hệ truyền thừa, kéo dài đến đầu thế kỉ thứ XIII với những đóng góp to lớn cho Phật giáo và dân tộc.


Có thể nói, thiền phái Tì Ni Đa Lưu Chi đã lưu xuất nhiều vị thiền sư uyên thâm, lỗi lạc mà đạo hạnh vẫn còn vang mãi như thiền sư Đỗ Pháp Thuận (925 - 990), thiền sư Vạn Hạnh (? - 1025), thiền sư Từ Đạo Hạnh (? - 1117), Quốc sư Nguyễn Minh Không (1066 - 1141), Tăng thống Huệ Sinh (? - 1076), Tăng thống Khánh Hỷ (1067 – 1142), Quốc sư Viên Thông (1080 – 1151)…

Thiền sư Y Sơn (? - 1216) thuộc thế hệ đắc pháp cuối cùng của dòng thiền Tì Ni Đa Lưu Chi cũng là một thiền sư rất mực tài hoa, nhưng hầu như xưa nay rất ít được giới nghiên cứu nhắc đến. Thiền uyển tập anh cho biết thiền sư họ Nguyễn, quê ở Cẩm Hương (nay thuộc tỉnh Nghệ An), tư thái phong nhã lại có tài biện thuyết. Từ nhỏ đã học thông sử sách và rất chú ý đến kinh điển nhà Phật. Năm 30 tuổi, nhân duyên đã đủ, Ngài xuất gia với một vị trưởng lão trong làng, rồi đến kinh đô tham học với Quốc sư Viên Thông (1080 - 1151) và được truyền tâm ấn. Sau đó, Ngài đi khắp nơi tùy duyên hành hóa và làm lợi lạc cho người, tài vật được cúng dường đều chẳng màng cho tự thân mà đều dùng cho việc Phật.

Tuy tác phẩm còn lại của thiền sư không nhiều, chỉ còn vài câu trích từ bài văn Phổ khuyến, vài lời dạy dỗ các môn đồ và hai bài kệ trước lúc thị tịch, nhưng lại rất giá trị trên bình diện tư tưởng thiền học, văn học và thi ca.

Hai bài kệ trước lúc thiền sư thị tịch:

(1) “Như Lai thành chính giác

Nhất thiết lượng đẳng thân

Hồi hỗ bất hồi hỗ

Nhãn tinh đồng tử thần”[1].

(2) “Chân thân thành vạn tượng

Vạn tượng tức chân thân

Nguyệt điện vinh đan quế

Đan quế tại nhất luân.”[2]

Tạm dịch:

            (1) Như Lai thành chính giác

Tất cả lượng đẳng thân

“Hồi hỗ, bất hồi hỗ”

Đồng tử sáng mắt thần.

(2) Chân thân thành vạn tượng

Vạn tượng tức chân thân

Cung trăng sum quế đỏ

Quế đỏ trăng một vầng.

 
Có nên Thiền Định vào Trăng rằm – Năng lượng sống 

Đây là hai bài kệ rất sâu sắc và thể hiện rõ tư tưởng thiền học của thiền sư Y Sơn. Tư tưởng này và tư tưởng của tổ Tì Ni Đa Lưu Chi khi mới truyền nhập vào vẫn thống nhất một mạch nguồn, đó là tư tưởng Bát NhãHoa Nghiêm.

 Bài kệ thứ nhất có nghĩa rằng Như Lai thành bậc chính giác, thì pháp thân trùm khắp không giới hạn, hết thảy đều bình đẳng như nhau, dù ở nơi chư Phật hay nơi mỗi chúng sinh đều không phân biệt. Nếu thấu rõ được “Hồi hỗ bất hồi hỗ” thì sẽ có con mắt không phải mắt thịt nữa mà là con mắt tuệ, mắt “thần”, thấy được chân tướng của vạn pháp. Nhưng “Hồi hỗ, bất hồi hỗ” có nghĩa là thế nào? Có nghĩa là vừa tương quan, tương tức lẫn nhau lại vừa độc lập, tách biệt nhau, đây là cảnh giới không mảy may chấp trước của các thiền sư và cũng là tư tưởng Bát Nhã của kinh Hoa Nghiêm. Muốn hiểu rõ hơn tư tưởng này ta hãy đọc một đoạn trong bài Tham đồng khế (参同契) của Thạch Đầu Hi Thiên (石頭希遷, 700 - 790), được chép trong quyển 30 - Cảnh đức truyền đăng lục, trong đó Thạch Đầu Hi Thiên đã từng nói đến “Hồi hỗ bất hồi hỗ”:

“Linh nguyên minh kiểu khiết

Chi phái ám lưu chú

Chấp sự nguyên thị mê

Khế lý diệc phi ngộ

Môn môn nhất thiết cảnh

Hồi hỗ bất hồi hỗ

Hồi nhi cánh tương thiệp

Bất nhĩ y vị trụ.”[3]

Tạm dịch:

Nguồn linh vốn sáng trong

Cành nhánh ngầm tuôn chảy

Chấp trước vốn là mê

Khế lý cũng chẳng ngộ

Vật vật bày cảnh giới

“Hồi hỗ, bất hồi hỗ”

“Hồi” nên có hỗ tương

“Bất” nên có sai biệt.

 “Linh nguyên” (靈源) – nguồn linh, là nguồn gốc của tất cả vạn vật, cũng tức là nguồn tâm, bản tâm, Phật tâm, Phật tính trong lặng mà Thiền tông vẫn thường nói đến. “Chi phái” (枝派)chỉ cho các sự vật hiện tượng hiện bày ra do từ bản thể của tâm. “Tâm” tạo nên vạn vật, “tâm tính” hay “tính không” chính là điểm giống nhau, là bản chất của vạn vật, gọi là “lý”. Nếu nhìn nhận sự vật, hiện tượng, luận bàn về “sự” mà không thấu rõ được cái “lý” đó thì là kẻ mê, nên Thạch Đầu Hi Thiên nói là “chấp sự nguyên thị mê”. Nếu chỉ hiểu được cái “lý” mà không nhận ra sự sai biệt giữa các sự tướng thì cũng chẳng phải là đã ngộ, nên “khế lý diệc phi ngộ”. Hết thảy mọi sự vật hiện tượng đều là sự hòa hợp giữa hai mối tương quan: một là “hồi hỗ” (回互), hai là “bất hồi hỗ” (不迴互). “Hồi hỗ” tức là từ thể tính đồng nhất của “lý” mà sự vật có liên hệ tương hỗ với nhau, hay còn gọi là “tương sinh”, “tương tức”. “Bất hồi hỗ” tức là sự biểu hiện thành các tính chất và tướng trạng độc lập sai biệt nhau. Do đó, người tham thiền cần phải nhận thức được sự hòa hợp, thống nhất và mối liên hệ tương hỗ giữa “lý” và “sự” mới có thể đạt ngộ chân chính. Ta thấy tư tưởng này cũng tương đồng với tư tưởng “nhất tức nhất thiết, nhất thiết tức nhất – một là tất cả, tất cả là một” của kinh Hoa Nghiêm.

Thiền học của thiền sư Y Sơn đã đề cập đến mối liên hệ giữa “lý” và “sự”, giữa cái “bản chất” và cái “hiện tượng” mà thiền sư gọi chúng bằng cặp khái niệm khác là “chân thân” và “vạn tượng”.

           Chân thân thành vạn tượng

Vạn tượng tức chân thân

Cung trăng sum quế đỏ

Quế đỏ trăng một vầng.

 
 

Chân thân là pháp thân trùm khắp cả vạn tượng và vạn tượng cũng không rời pháp thân. Thiền sư đã dùng một hình ảnh rất gần gũi với đời sống dân gian và văn học để diễn tả mối liên hệ thống nhất trong dị biệt giữa chân thân và vạn tượng, đó là hình ảnh của cung trăng và quế đỏ. Cung trăng trùm khắp quế đỏ và quế đỏ cũng không rời cung trăng.

Dân gian Trung Hoa có câu chuyện thần thoại Ngô Cương đốn quế. Rằng xưa kia có anh chàng tiều phu tên là Ngô Cương bị đày tới cung trăng. Theo lệnh của các vị thần, Ngô Cương phải chặt được cây gỗ to mọc ở cung trăng thì mới được tha và trở về. Thế nhưng, hễ Ngô Cương vừa chặt xong thì cái cây ấy liền lại như cũ, cho nên Ngô Cương vẫn mãi ở đó. Cái bóng đen của Ngô Cương trên cung trăng được dân gian gọi là chú cuội, và cái cây to trên mặt trăng, tương truyền đó là một cây quế đỏ. Người Việt cũng chịu ảnh hưởng bởi quan niệm đó. Mãi sau này, khi ta có sự tích Chú cuội cây đa thì cái bóng đen trên mặt trăng mới được gọi là cây đa thay vì cây quế.

Tuy vậy, hình ảnh “thềm quế cung trăng” cũng đã rất gần gũi trong văn học. Cây quế từ xa xưa là biểu tượng đặc trưng khi nói về vầng trăng. Đôi khi muốn nói đến cung trăng người ta không nói thẳng mà dùng một hình ảnh biểu tượng là “cung quế”.

Cung quế đã ai ngồi đó chửa

Cành đa xin chị nhắc lên chơi”.

(Tản Đà)

Cây quế đỏ ở cung trăng là ở trong hay ở ngoài cung trăng? Cây quế với cung trăng là một hay là khác? Về ngôn ngữ khái niệm và hình tướng biểu biệt thì cung trăng với cây quế đỏ không phải là một, nhưng cũng không tách rời, không xa lìa nhau. Khi gọi “cung quế” thì ai cũng hiểu là “cung trăng”, gọi “thềm quế” thì ai cũng hiểu là “thềm trăng”, không một mà không khác. Đó chính là hình ảnh dụ cho mối liên hệ giữa “chân thân” và “vạn tượng”, giữa “bản thể” và “hiện tượng”.

Vậy nên, thiền sư dạy chúng rằng: “đối với mọi pháp đều bình đẳng, không có gì phải nghi hoặc, không hai, không tướng, không đi, không dừng, không lượng, không hạn, xa lìa nhị biên, trụ ở trung đạo, vượt khỏi sự ràng buộc của văn tự, ngôn thuyết”[4]. Những câu văn này có nguồn gốc từ kinh Hoa Nghiêm [2, tr. 274-275].

Ở kệ thị tịch của thiền sư Y Sơn, ngoài giá trị tư tưởng ở phương diện thiền học thì còn có giá trị ở phương diện văn học, mà nếu chỉ đọc bằng ngôn từ và nhận thức thông thường thì ta không thể nào cảm nhận hết được cái hay, cái đẹp của nó. Hình ảnh “thềm quế cung trăng” của thiền sư Y Sơn, với cây quế đỏ nở đầy hoa thơm ngát, hòa quyện với ánh trăng đêm đang rực sáng xua tan đi màn vô minh tăm tối là một hình ảnh vô cùng mầu nhiệm, thơ mộng và đặc sắc trong thi ca và văn học mà ngôn ngữ khó có thể diễn tả hết sự thi vị của nó. Rất mầu nhiệm nhưng cũng rất giản dị, như một hạt sương long lanh còn đọng trên đầu ngọn cỏ của thiền sư Vạn Hạnh, như con thuyền không lặng lẽ vượt biển giữa không gian mênh mông dưới ánh trăng Lăng Già tịch tĩnh của thiền sư Huệ Sinh, như một hạt cải mòng tóm thâu cả đất nước mây trời của thiền sư Khánh Hỷ… Những cảnh vật của tự nhiên, những hình tượng giản dị của đời thường đi vào thơ ca thiền học bỗng chốc trở nên sâu lắng khi thiền sư – thi sĩ hòa tan cảm xúc và sự trực ngộ với thiên nhiên, đất nước và con người. Khi ấy, những khái niệm trừu tượng của thiền học được diễn tả bằng những hình ảnh rất đỗi dung dị của tự nhiên, của đời sống chỉ trong vài câu thơ ngắn ngủi.

 
 

Thiền sư – thi sĩ Y Sơn, thuộc thế hệ đắc pháp cuối cùng của dòng thiền Tì Ni Đa Lưu Chi đã thấm nhuần tư tưởng Bát NhãHoa Nghiêm, vốn là một sợi chỉ xuyên suốt hệ tư tưởng của thiền phái. Liễu ngộ sắc - không, siêu việt sinh - tử nên tùy duyên tự tại mà vào đời hư huyễn để hóa độ quần sinh, mang lòng đại bi của Bồ tát mà kết phúc gieo duyên để giúp người giác ngộ. Thềm quế và cung trăng trong kệ thị tịch của thiền sư vẫn lung linh và mầu nhiệm trong bầu trời văn học Việt Nam. Xin mượn lời trong bài văn Phổ khuyến của thiền sư để thay cho lời kết:

“Ham danh chuộng lợi

Đều như bọt nước trôi sông

Kết phúc gieo duyên

Ấy là trong lòng hoài bão”  [4, tr. 329].

Thích Nữ Mai Anh

Liễu Quán, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tháng 8/2021.

 

 

Tài liệu tham khảo:

[1].《禅苑集英》bản in đời Lê,  năm Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715).

[2].大方廣佛華嚴經大正藏第09 No. 278.

[3].《景德傳燈錄》大正藏第51 No. 2076.

[4]. Lê Mạnh Thát (2002), Tổng tập văn học Phật giáo Việt Nam, tập 3,


[1] 如来成正,一切量等身,回互不回互,眼睛童子神[1, tờ 71a]

[2]  真身成萬象, 萬象即真身。月殿荣丹桂,丹桂在一轮輪 [1, tờ 71a]

[3] 靈源明皎潔,枝派暗流注,執事元是迷,契理亦非悟,門門一切境,迴互不迴互,迴而更相涉,不爾依位住。 [3, tr. 459]

[4] 於法平等,無有疑惑,無二無相,無行無止,無量無際,遠離二邊,住於中道,出過一切文字言説。 [1, tờ 70b-71a]


Tin cùng chuyên mục