TLYT - Chiều ngày 25/11/2019, tại Cung Trúc Lâm – Trung tâm văn hóa Trúc Lâm, xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, công tác chuẩn bị cho Đại lễ Tưởng niệm 711 năm Đức Vua – Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết Bàn (1308- 2019) đã hoàn thiện.
Đúng 16h, đông đảo nhân dân tín đồ Phật tử thập phương đã vân tập về Cung Trúc Lâm, cùng chư Tôn đức Tăng Ni thực hiện nghi thức niêm hương bạch Phật và thiền hành leo núi hơn 1800m từ chùa Giải Oan lên chùa Hoa Yên trong tiếng niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” đầy thành kính, đồng điệu âm vang khắp núi rừng.
Sau khi thành kính dâng hương trước Phật Hoàng Tháp, dưới sự chủ lễ của chư Tôn đức Tăng Ni, toàn thể đại chúng đã nhất tâm tụng thời kinh cầu nguyện thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc.
Buổi tối cùng ngày, Thượng tọa Thích Đạo Hiển – Ủy viên HĐTS, Phó trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh đã quang lâm pháp tòa và có thời pháp thoại với chủ đề “Cuộc đời, sự nghiệp của Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông và Phật giáo Trúc Lâm” tới toàn thể đại chúng. Thượng tọa đã nhắc lại cho đại chúng tóm tắt sơ lược về cuộc đời Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông và quá trình hình thành nên dòng thiền Trúc Lâm. Đối với Đạo, Ngài là Thiền sư đắc đạo, là người sáng lập và lãnh đạo Phật giáo Trúc Lâm – nền Phật giáo thống nhất riêng có của người Việt Nam. Với tấm lòng vì dân, với nhãn quan của một vị vua minh triết, một nhà sư giác ngộ, Ngài chủ trương áp dụng những tư tưởng trong Đạo để nuôi dưỡng, phát huy nhân tâm thuận hòa trong trăm họ, xây dựng, bồi đắp tính độc lập, sức tự cường, vun bồi sự hòa hợp trong thế gian, hòa hợp vua – tôi, hòa hợp cha – con, hòa hợp vợ – chồng, hòa hợp trong gia đình, hòa hợp quốc gia… Thượng tọa sách tấn hàng Phật tử hãy noi theo gương hạnh Đức Phật Hoàng, tinh tiến tu hành, áp dụng những giáo lý của Đức Phật vào cuộc sống luôn được bình an, hạnh phúc ngay trong đời hiện tại.
Tiếp theo là nghi thức niêm hương đỉnh lễ và nhiễu tháp Phật hoàng trên non thiêng Yên Tử cầu nguyện thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc, Phật pháp trường tồn. Giữa cơn gió se lạnh của mùa đông đất Bắc, ai nấy đều thấy lòng như ấm áp bởi ngay giây phút này, tất cả đang cùng chung một nhịp đập hướng về đạo giải thoát. Tất cả cùng nhau hồi tưởng lại về những giáo lý cao sâu nhiệm màu và sự tu tập đạo hạnh mà Đức Phật đã để lại, truyền trao cho chư Tổ trong quá khứ, sau đó tới Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông, nối tiếp mãi về sau này. Ánh sáng ấy là ánh sáng của lòng biết ơn, của tinh thần từ bi và trí tuệ, của hiểu biết và tình yêu thương. Từ khi Đức Thế Tôn nhập Đại bát Niết Bàn cho tới ngày hôm nay, những giáo lý vi diệu mà Ngài để lại đã được Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông cùng chư vị lịch đại Tổ sư truyền trao từ đời này sang đời khác, từ thế kỷ này sang thế kỷ khác. Những giáo lý ấy luôn gần gũi với cuộc đời, với công năng chuyển mê khai ngộ, giúp con người dứt bỏ tham – sân – si, sống tỉnh thức và thiện lành. Minh chứng rõ ràng là càng ngày càng nhiều người hướng về Phật, học theo giáo Pháp của Phật, tu tập theo các pháp môn mà Đức Phật đã dạy. Ngọn đèn chính pháp đó ngày càng được sáng tỏ. Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông đã tiếp nối tinh thần chính pháp của Đức Thế Tôn, cũng là tiếp nối ngọn đèn thiền của dòng thiền non thiêng Yên Tử.Tư tưởng và tinh thần bất tử ấy là cội rễ làm nên sức mạnh lâu bền của dân tộc, theo thời gian đã trở thành truyền thống của người Việt Nam.
Hoàng Tuấn – Diệu Tường – Thành Trung – Phúc Hậu