Long trọng đại lễ tưởng niệm 715 năm Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn


TLYT - Sáng ngày 13/12 (mùng 1/1 Quý Mão), tại khu danh thắng Yên Tử, TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, Trung ương Giáo hội kết hợp cùng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh long trọng tổ chức Đại lễ tưởng niệm 715 năm ngày Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết Bàn (1308-2023).

Hiện diện chứng minh có Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự (HĐTS) GHPGVN, Trưởng Ban Tăng sự Trung ương; cùng chư Tôn đức Phó Chủ tịch HĐTS, Ban Thường trực HĐTS, các Ban, Viện Trung ương Giáo hội.

Tham dự có ông Nguyễn Văn An, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội; cùng các cấp lãnh đạo chính quyền tỉnh Quảng Ninh; Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh; Tăng Ni sinh Học viện PGVN tại Hà Nội và đông đảo Phật tử thập phương.

Tại buổi lễ, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS cung tuyên tiểu sử, ôn lại cuộc đời Đức vua – Phật Hoàng Trần Nhân Tông, vị Hoàng đế anh minh, anh hùng dân tộc, nhà văn hóa tư tưởng lớn, nhà tu hành chân chính, mẫu mực; người sáng lập Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử với tư tưởng nhập thế “Cư trần lạc Đạo”, “Hòa quang đồng trần”, được các thế hệ nhân dân ta tôn xưng là Vua Phật Việt Nam.

Để tri ân công đức lớn lao của Đức vua – Phật Hoàng Trần Nhân Tông đối với đất nước, dân tộc và đạo pháp; Hòa thượng Chủ tịch HĐTS cẩn kính dâng lời tưởng niệm của GHPGVN.

“Công đức hoằng dương Phật pháp của Tổ Sư sau khi ngộ đạo, Điều ngự Giác Hoàng, Vua Phật trần gian, trăm hoa đua nở, ngàn cỏ hương thơm, chín nước, mười mây vang rền tiếng Pháp. Chống gậy trúc dạo chơi thiên hạ, nâng gót hài đại địa vững bền. Quả thực: “Rừng thiền tùng trúc còn in bóng. Xào xạc canh thâu tiếng Pháp mầu”.”, Hoà thượng Chủ tịch bày tỏ.

Trên tinh thần sắc tướng vốn không, mượn cảnh huyễn, độ người như huyễn, tử sinh nào có, nương thuyền từ độ kẻ trong mê, như Tổ Sư đã dạy: “Tất cả Pháp không sinh. Tất cả Pháp không diệt. Ai hiểu được nghĩa này. Thì Chư Phật hiện tiền. Nào có đến có đi”. Do đó, dù thời gian có đi qua 715 năm, không gian có biến dịch, song công đức, đạo nghiệp của Tổ Sư vẫn còn sống mãi trong trang sử vàng son của dân tộc, của Phật giáo Việt Nam trong sự nghiệp hộ quốc an dân, đoàn kết hòa hợp dân tộc, phát huy đạo pháp trong thời đại ngày nay và mãi mãi về sau.

“Hôm nay, nhân lễ kỷ niệm 715 năm ngày Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn, toàn thể Tăng Ni, Phật tử Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài, nhân dân Việt Nam, con cháu Tiên Rồng xin đốt nén tâm hương, ngũ phần đỉnh lễ dâng lời tưởng niệm chân thành, tâm cảm ý giao, một lòng thành kính cúi đầu đỉnh lễ Lịch đại Tổ Sư, phát nguyện phụng trì Phật pháp, phát huy chân lý Đạo nhà, giữ gìn Tổ ấn vàng son, làm rạng rỡ vang danh Non thiêng Phật Tổ huy hoàng tráng lệ, non sông gấm vóc thiên thành, một cõi vững bền muôn thuở.”, Văn tưởng niệm nêu.

Hướng về trước tôn dung Đức Điều ngự Giác hoàng đang toạ bảo đài, chư tôn giáo phẩm Trung ương Giáo hội thành kính dâng hương tưởng niệm, đại chúng tụng kinh cúng dường, đảnh lễ tri ân công đức Phật Hoàng.

Đồng phát nguyện đoàn kết hòa hợp dân tộc, thực hiện hữu hiệu phương châm “tốt đời đẹp đạo”, bằng triết lý Thiền xây dựng thế giới cực lạc tại nhân gian trong kiếp hiện tại và mai sau.

Trong nghi thức tưởng niệm, Hòa thượng Chủ tịch thay mặt GHPGVN dâng sớ kỳ an, nguyện cầu cho Quốc gia hưng thịnh, Nhân dân an lạc, Phật giáo Việt Nam trường tồn.

Dịp này, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh long trọng khánh thành Cung Trúc Lâm Yên Tử sau 6 năm xây dựng (2017- 2023).

Đại diện chủ đầu tư, Hòa thượng Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh cho biết: Công trình Cung Trúc Lâm Yên Tử xây dựng trên diện tích 6.000m2 trong tổng thể Trung tâm văn hóa Yên Tử, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh làm chủ đầu tư, kinh phí xây dựng 150 tỷ đồng bằng nguồn vốn xã hội hóa; Trong tương lai sẽ là nơi tổ chức các lễ hội Phật giáo, sự kiện văn hóa, nghi lễ tâm linh với quy mô sức chứa 7.000 người.

Theo Hòa thượng Trưởng Ban Trị sự, Cung Trúc Lâm Yên Tử khánh thành chào mừng kỷ niệm 60 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh và tưởng niệm 715 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết Bàn; Cùng với Chùa Đồng, Tháp Tổ, Tượng Phật Hoàng… tạo nên một diện mạo mới, mang ý nghĩa kết nối quá khứ – hiện tại – tương lai, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc và giá trị lịch sử Trúc Lâm Yên Tử.

Đăng Huy
Nguồn: chutichghpgvn.vn


Tin cùng chuyên mục