Mùa sen nở, mùa Bụt sinh



TLYT - Hôm qua, sen trong ao trước Quan Âm các đã nở những cánh đầu tiên, dấu hiệu báo một mùa Phật đản nữa lại về với tất cả người con Phật trên khắp thế giới nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung.
Anh 2.jpg
Vườn Lâm Tỳ Ni thiết trí tại chùa Phổ Quang (Q.Thanh Khê, Đà Nẵng) mùa Phật đản PL.2563 - Ảnh: Thích Thông Bảo
Đóa sen kia, từ nơi bùn nhơ phá vỡ mọi ràng buộc của đất và nước mà vươn lên, lại đem thân mình vẫy vùng giữa hư không, tỏa hương thơm ngát khắp cả một vùng trời. Ngài, từ nơi phương xa, vì thấy chúng con đang phải lặn chìm trong bóng tối, mà lại hóa hiện tại cõi này.
 
Những cánh sen hồng nhạt, cùng với mùi thơm tinh khiết gợi lên đâu đây biết bao tâm tư của một người con đứng trước tượng Ngài đản sanh. Vườn Lâm Tỳ Ni mà tại các chùa thiết trí, những ai được chiêm ngưỡng đều có những tưởng tượng bay bổng về hình tượng cách đây hơn 2.600 năm, một vị Bồ tát ra đời đưa người qua biển khổ. Những hạt giống khô cằn của cây cỏ, lại được tưới tẩm bằng cơn mưa từ bi và trí tuệ. Như lời của một Bà-la-môn: “Thật bi diệu thay, Tôn giả Gotama! Như người dựng đứng lại những gì bị quăng xuống, phơi bày những gì bị che kín, chỉ đường cho người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện trình bày giải thích”. (Trung Bộ I, kinh số 4, ĐTKVN).
 
Mỗi khi đọc lời này, cùng với đứng trước khung cảnh vườn Lâm Tỳ Ni, trong một khoảng lặng không gian mênh mông nào đó, những xúc động dâng trào, giây phút lắng đọng làm sống lại hình ảnh lúc mà Ngài thoát thai mẹ, trời đất hân hoan, chư Thiên hòa nhạc, người người vui mừng, sao lại thiêng liêng đến vậy. Chúng con biết rằng, nhờ đã gieo duyên lành từ nhiều kiếp trước, nên đời này được chiêm ngưỡng dung nhan của Từ phụ, học tập và thực hành theo lời dạy của Ngài, gần gũi các bậc cao tăng.
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn, đặc tính của hoa sen là vậy. Bùn là tượng trưng cho sự ô nhiễm, uế trược, sen là tượng trưng cho sự thanh tịnh. Cũng vậy, Ngài ra đời, tiếp xúc với cuộc đời nhiều uế trược này, vẫn giữ được tính cách thanh cao, tinh khiết, không bị sự vẫn đục vấy bẩn.
 
Năm tháng có qua đi, đâu đó vẫn còn những trái tim thổn thức một lòng hướng về Đức Cha lành, ngày mà cõi người này được dựng lại, ngày mà ánh sáng từ bi chiếu rạng khắp mười phương.
 
Kỷ niệm Đức Cha lành ra đời, cũng để nhắc nhở chúng ta ôn lại giá trị về cuộc đời của Ngài, một con người đại hùng, đại lực, đại từ bi. Học giả H. G. Wells ca ngợi công đức của Ngài rằng: “Nơi Đức Phật ta thấy rõ ràng là một con người giản dị có tâm đạo nhiệt thành, một mình tự lực phát huy ánh sáng tươi đẹp, một nhân vật sống, một con người như mọi người chớ không phải một nhân vật thần thoại ẩn hiện trong nhiều truyền thuyết hoang đường. Ngài cũng ban bố cho nhân loại lời kêu gọi có tính cách phổ thông. Bao nhiêu quan niệm của thế hệ tân thời đều tương hợp với giáo lý ấy. Đức Phật dạy rằng tất cả những gian lao sầu khổ và bất hạnh trong đời đều do lòng ích kỷ sanh ra. Trước khi có thể trở nên vắng lặng, con người cần phải ngừng sống cho giác quan mình. Rồi từ đó, vượt lên trên tất cả mọi người, Ngài sống cuộc đời siêu nhiên”.
 
Do vậy, dù năm nay, do đại dịch Covid-19, các con tim hiếu đạo không được về dưới mái chùa để cùng nhau làm công quả, phụ giúp quý thầy trang trí lễ đài, treo cờ, lồng đèn… để cúng dường lên đấng Cha lành thì hãy xem đây là dịp quán chiếu sâu sắc lời dạy của Ngài. Nhất là Tứ thánh đế, về khổ và con đường thoát khổ, giữ thân-khẩu-ý thanh tịnh để vượt qua. Được như thế cũng chính là kiến tạo hương giới-định-tuệ, hương giải thoát dâng cúng Như Lai.
 
Gởi một niệm chúc lành đến khắp mọi người trên thế giới có một mùa Phật đản vô lượng an lạc, được tắm trong dòng suối mát trong lành của tình thương và sự hiểu biết. Cùng nhau chung tay vượt qua cơn đại dịch.

Thích Thông Bảo