Một ngôi chùa sắp được xây dựng trên Đảo Trần, huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh


TLYT – Thực hiện chỉ đạo của Trung ương GHPGVN, ngày 16/4/2019 (tức 12/03 năm Kỷ Hợi), Hòa thượng Thích Quảng Tùng – Phó Chủ tịch HĐTS Trung ương GHPGVN, Trưởng Ban Từ thiện Xã hội cùng Ban Trị sự GHPG Việt Nam tỉnh Quảng Ninh do Thượng tọa Thích Thanh Quyết – Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng BTSPG tỉnh làm trưởng đoàn đã có chuyến thăm và làm việc tại  Đảo Trần, khảo sát việc xây dựng cột mốc tâm linh tại biển đảo, xây dựng chùa Trúc Lâm Đảo Trần để phục vụ nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng cho quân dân trên đảo.
 
Chư Tôn đức khảo sát địa điểm đặt cột mốc văn hóa tâm linh trên đảo 

 Tham gia cùng đoàn làm việc còn có ông Trần Văn Bừng - Bí thư Đảng ủyChính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh, cùng đại diện lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ninh.

Đảo Trần là một hòn đảo nhỏ xinh đẹp, diện tích khoảng 4km2, nằm ở phía Đông Bắc của quần đảo Cô Tô, phía Nam của đảo Vĩnh Thực, thuộc xã Thanh Lân, huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh; cách đảo Cô Tô Lớn khoảng 45 km về phía Đông bắc và cách cảng Vạn Gia của thành phố Móng Cái khoảng 25 km về phía Nam. Do điều kiện trên đảo còn khó khăn, nên ngoài quân đội và biên phòng, hiện tại trên đảo chỉ có 13 hộ gia đình bám trụ giữ đảo. Mặc dù dân cư trên đảo còn rất ít nhưng người dân cũng có nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh. Nhất là khi ở ngoài biển đảo luôn có nhiều mối nguy hiểm rình rập, các hộ dân chủ yếu làm nghề chài lưới.

 
Một góc cảnh từ đảo nhìn ra

Đoàn đã đến thăm và tặng quà cho các chiến sĩ cùng 13 hộ gia đình phát tâm sinh sống ở đây giữ gìn biển đảo đồng thời chia sẻ nguyện vọng xây dựng ngôi chùa Việt tại đây làm cột mốc văn hóa tâm linh chấn giữ nơi hòn đảo tiền tiêu cuả Tổ quốc.

 
 
 

Hòa thượng Thích Quảng Tùng đại diện phái đoàn tán thán tinh thần yêu nước của quân và dân hết lòng bám trụ bảo vệ biển đảo, dù còn rất nhiều khó khăn. Với đất nước Việt Nam ta, biển đảo tuy xa xôi về địa lý nhưng không xa về tấm lòng, đối với người Việt Nam, phần nhiều tín ngưỡng theo Phật giáo. Một gia đình hay hai, ba gia đình cũng là dân. Phật giáo Việt Nam có truyền thống đồng hành cùng dân tộc. Trong các cuộc chiến tranh, nhiều vị sư đã tham gia kháng chiến, tham gia các phong trào yêu nước, bảo vệ Tổ quốc. Các triều đại phát triển vững mạnh luôn có các vị thiền sư bên cạnh để làm cố vấn trị nước. Nếu coi chính quyền là cha, để chăn dắt dân thì Phật giáo là mẹ, xoa dịu những nỗi đau khổ, an ủi, chăm lo cho muôn dân. Hòa thượng mong muốn rằng mai này ngôi chùa được xây dựng xong, có thể đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của quân và dân, để họ yên tâm công tác và sinh sống, cũng như ngư dân các nơi ghé qua tránh bão có thể về lễ Phật cầu bình an… Hàng năm, vào ngày mùng 10/3, nhân ngày giỗ vua Hùng, chùa có thể tổ chức ngày Hội với nhiều hoạt động văn hóa truyền thống để quân dân xa đất liền có thể hướng về Tổ tông, nguồn cội, giữ gìn những nét đẹp của cha ông để lại. Hòa thượng cũng cho biết, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ninh sẽ sớm hoàn hiện các thủ tục để ngôi chùa sớm khởi công xây dựng, và xây dựng theo kiến trúc truyền thống của người Việt, cũng như toàn bộ hoành phi câu đối đều phải bằng tiếng Việt.

Một số hình ảnh ghi nhận khác trong chuyến thăm và làm việc:

 

Hòn đảo nhỏ và cảnh biển từ đảo nhìn ra vô cùng đẹp
 
Đoàn lên các ngọn đồi khảo sát vị trí
 
 
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại vị trí trước ngọn đồi được chọn làm nơi xây dựng chùa Trúc Lâm Đảo Trần 
 
Đoàn lên vị trí cao nhất trên đảo, nơi đặt cột cờ Tổ quốc và dâng hương tưởng niệm tại nơi thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh
 
 
 
 
 
Thượng tọa Thích Thanh Quyết trao món quà đặc biệt cho Đồn trưởng và các đồn phó của Đồn Biên phòng, Thượng tọa mong rằng các chiến sĩ luôn mang Bác Hồ và đất nước Việt Nam trong tim, hết lòng bảo vệ Tổ quốc.
 
 
 
 
 
 
 Cao Đăng Nguyệt


Tin cùng chuyên mục