10 sự kiện nổi bật nhất của Phật giáo Quảng Ninh năm 2018


TLYT – Năm 2018  là năm mà Phật giáo Quảng Ninh gặt hái nhiều thành tựu hơn trong các công tác Phật sự, từ Hoằng pháp, Tăng sự, Thông tin Truyền thông, Từ thiện Xã hội v.v..  BBT trân trọng gửi tới quí bạn đọc 10 hoạt động nổi bật nhất trong năm qua.

1.            Đại lễ tưởng niệm 710 năm Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn

Nhằm tưởng nhớ công lao và sự nghiệp vĩ đại của Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông - vị Hoàng đế anh minh, anh hùng dân tộc, nhà văn hóa tư tưởng lớn - nhà tu hành chân chính, mẫu mực; người sáng lập Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, được các thế hệ nhân dân ta tôn xưng là Vua Phật Việt Nam. Thông qua lễ tưởng niệm và hội thảo khoa học đánh giá đúng vai trò của Đức Vua - Phật Hoàng Trần Nhân Tông trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, sự nghiệp Đại đoàn kết các dân tộc, các tôn giáo Đại Việt, sự nghiệp tu hành và tư tưởng vĩ đại của Phật giáo Trúc Lâm đã ảnh hưởng sâu rộng đối với nền văn hóa, Phật giáo Việt Nam.

Lễ tưởng niệm 710 năm ngày Nhập Niết Bàn của Phật Hoàng Trần Nhân Tông là dịp để Tăng Ni, Phật tử, đồng bào các dân tộc Việt Nam học tập, phát huy tinh thần nhập thế, tinh thần yêu nước của Phật giáo Việt Nam. Với tư tưởng “Hòa quang Đồng trần”, “Cư Trần Lạc Đạo” của Thiền phái Trúc Lâm, luôn là kim chỉ nam trong hoạt động lợi đạo ích đời của những người con Phật Việt Nam từ xưa đến nay. Tư tưởng đó đã biến thành phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội” của Phật giáo Việt Nam hiện nay.

 

Đại lễ tưởng niệm với chuỗi sự kiện lớn như: Lễ tưởng niệm 710 năm Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn tại Cung Trúc Lâm - Yên Tử, tại chùa Ngọa Vân; Hội thảo khoa học quốc tế Phật giáo Trúc Lâm – Hội tụ và lan tỏa; Lễ truyền đăng tại trụ sở tỉnh hội chùa Trình - Yên Tử… đã thu hút sự quan tâm của không chỉ đông đảo tín đồ Phật tử, nhân dân trên khắp mọi miền Tổ quốc mà cả các nhà tri thức, giới học giả trong và ngoài nước. Đây được xem là Phật sự trọng điểm trong năm 2018 vừa qua của Phật giáo Quảng Ninh.

2.            Đại giới đàn Trúc Lâm Tam Tổ lần thứ X

Đại giới đàn do Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh tổ chức được mang tên Trúc Lâm Tam Tổ với hạnh nguyện các giới tử luôn luôn học tập tấm gương hạnh tuệ của ba vị Tổ sư Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử: Phật Hoàng Trần Nhân Tông, Tôn Giả Pháp Loa và Tôn Giả Huyền Quang. Từ đó phấn đấu trên con đường tu học, phụng sự đạo pháp và dân tộc, kế truyền mạng mạch Phật pháp của Lịch Đại Tổ Sư, viết tiếp trang sử vẻ vang của Phật giáo Việt Nam.

 

Đại giới đàn Trúc lâm Tam Tổ lần thứ X diễn ra trong 2 ngày mùng 3 và mùng 4/11/Mậu Tuất, truyền giới cho các giới tử xuất gia tổng số 215 vị: Tỳ khiêu 50 vị, Tỳ khiêu Ni 60 vị, Sa di 45 vị, Sa di ni 60 vị. Đại giới đàn truyền trao giới pháp là hoạt động rất quan trọng trong lĩnh vực Tăng sự.

3.            Khóa an cư kiết hạ PL 2562 – DL 2018

An cư là truyền thống tập trung tu học của Tăng đoàn có từ thời Đức Phật còn tại thế. Truyền thống đó được duy trì và tiếp nối cho đến ngày nay. Đó là cơ hội để chư tăng khắp các chốn Tổ đình, tự viện kiến lập đạo tràng thúc liễm thân tâm tiến tu tam nghiệp, trau dồi Giới  - Định - Tuệ, duy trì giới luật, khai diễn vô thượng pháp bảo, thực hiện nếp sống lục hòa cộng trụ... cầu nguyện thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc.

 

Tiếp nối tinh thần đó và theo thông lệ hàng năm, năm 2018 BTS Phật giáo tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức khóa an cư kiết hạ PL. 2562 – DL. 2018 tại 3 trường hạ của tỉnh là: Trường hạ Trụ sở tỉnh hội chùa Trình Yên Tử với 183 vị Tăng, Ni tập trung an cư; trường hạ Tổ đình Quỳnh Lâm với 45 vị Tăng, Ni thuộc sơn môn Tổ đình; và điểm an cư kiết hạ tại chỗ Chùa Lân – Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử 90 vị Tăng, Ni. Tổng số có 318 vị Tăng, Ni an cư kiết hạ tập trung. Khóa an cư tập trung trang nghiêm, chư Tăng, Ni tu học tinh tiến và được học hỏi nâng cao kiến thức về Luật học, Phật pháp và xã hội, Thiền Lâm Bảo Huấn và Tam Tổ Thực Lục…

4.            Tuần lễ Phật đản từ ngày 8/4 – 15/4 Mậu Tuất

Phật đản là sự kiện vô cùng có ý nghĩa với mỗi người con Phật, đó là ngày Đức Từ Phụ có mặt trên thế gian, làm một con người như bao con người khác rồi tu hành đắc đạo, đem giáo lý truyền bá, hóa độ chúng sinh thoát khỏi khổ đau, mê lầm. Tuần lễ Phật đản 2018 được khai mạc vào tối ngày 8/4/Mậu Tuất tại trụ sở tỉnh hội chùa Trình  - Yên Tử và tiếp đó, các chùa trong tỉnh tùy điều kiện của mình đã tổ chức lễ Phật đản trang nghiêm và ý nghĩa: các chùa lớn thì tổ chức khóa tu, các buổi thuyết pháp, đêm hội hoa đăng và nhiều hoạt động khác, các chùa nhỏ thì có nghi thức Tắm Phật, tụng kinh, bái sám v.v.. Tất cả với một mục đích người con Phật hiểu được cuộc đời của Đức Phật, học theo hạnh Phật, thực hành từ bi, trí tuệ làm lợi ích cho mình và cho đời.

 

5.            Lễ Vu lan Báo hiếu

Sau lễ Phật đản thì ngày Vu lan Bao hiếu là ngày lễ rất quan trọng trong Phật giáo. Thực hiện chỉ đạo của BTS tỉnh, các chùa đều ùy thuộc điều kiện mà tổ chức ngày lễ Vu Lan báo hiếu, có chùa tô chức thuyết pháp về ơn nghĩa sinh thành, tổ chức khóa tu, giáo dục con người về chữ Hiếu, hạnh Hiếu, tụng kinh Vu Lan, nghi thức Bông hồng cài áo, thắp nến tri ân hai đấng sinh thành, cầu siêu phả độ gia tiên v.v.. Năm nay, các chùa miền biển đảo Quảng Ninh đã xây dựng được cơ sở vật chất tạm ổn và tổ chức lễ Vu Lan nơi đảo xa trang nghiêm, thành kính cho bà con trên đảo. Điển hình như chùa Trúc Lâm Cô Tô, chùa Duyên Phúc – đảo Thẻ Vàng.

 

6.            Lễ khai hội xuân Yên Tử

Lễ Lễ khai hội xuân Yên Tử là hoạt động thường niên từ nhiều năm nay. Song năm 2018,  là năm đầu tiên lễ khai hội được tổ chức tại không gian đẹp, hiện đại và quy mô của Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm thuộc Dự án Khu trung tâm lễ hội và dịch vụ Yên Tử. Hội xuân Yên Tử năm nay không chỉ là lễ hội mùa xuân thu hút đông đảo khách du lịch mà còn là một trong những sự kiện mở đầu Năm Du lịch quốc gia 2018 do tỉnh Quảng Ninh đăng cai tổ chức.

 

Đồng thời đây cũng là năm đầu tiên có lễ Khai hội xuân chùa Trình – Yên Tử, ngôi chùa cửa ngõ của khu di tích danh thắng Yên Tử.

7.            Lễ ra mắt phân ban Ni giới tỉnh Quảng Ninh nhiệm kì II (2017 – 2022)

Trong nhiệm kỳ I phân ban Ni giới Quảng Ninh có 15 vị do Ni sư Thích Diệu Huyền làm trưởng phân ban, các hoạt động Phật sự của Ni giới Quảng Ninh dưới sự chỉ đạo của Ban trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh.

Lễ ra mắt phân ban Ni giới GHPGVN tỉnh Quảng Ninh nhiệm kỳ II (2017 - 2022) Ban trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh chuẩn y  nhân sự gồm 27 thành viên, do Ni sư Thích Hạnh Nhã, Ủy viên Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh làm Trưởng phân ban và có 04 phó phân ban, trong đó có Ni sư Thích Tịnh Nguyệt chùa Phổ Am, phường Bắc Sơn thành phố Uông Bí làm Phó Phân ban thường trực; Các Phó Phân ban còn lại gồm Ni sư Thích Tịnh Nguyên chùa Pháp Âm, Yên Hải, Quảng Yên; Sư cô Thích Đàm Linh chùa Tế, Mạo Khê, thị xã Đông Triều; Sư cô Thích Huệ Bảo chùa Cái Bầu, Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.

 

 Phân ban Ni giới GHPGVN tỉnh Quảng Ninh hoạt động theo đúng Hiến chương GHPGVN, nội quy Ban Tăng sự Trung ương, Nội quy Phân ban Ni giới Trung ương, Nội quy Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh và quy định của pháp luật nhà nước.

8.            Khánh thành giai đoạn I Cung Trúc Lâm – Yên Tử

Cung Trúc Lâm Yên Tử là công trình được GHPG tỉnh và Công ty CP Phát triển Tùng Lâm phối hợp thiết kế, xây dựng với quy mô công trình gồm 1 tầng ngầm, 1 tầng nổi, vật liệu xây dựng bằng bê tông cốt thép, nội thất ốp gỗ với diện tích mặt bằng 6.500m2. Cung được thiết kế mô phỏng kiến trúc từ Tháp Tổ Yên Tử và nâng cấp lên, mang nét hiện đại nhưng vẫn giữ gìn hồn cốt văn hoá dân tộc. Sau khi hoàn thiện, nơi đây sẽ trở thành địa điểm tổ chức các hội nghị, hội thảo, các hoạt động, nghi lễ lớn của Phật giáo Trúc Lâm trên địa bàn tỉnh cũng như trong cả nước. Tổng kinh phí xây dựng Cung Trúc Lâm là trên 200 tỷ đồng, từ nguồn huy động xã hội hoá của GHPG tỉnh.

 

Ngày 01/11/Mậu Tuất, trong Đại lễ tưởng niệm 710 năm Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn, BTC cũng đã tổ chức cắt băng khánh thành giai đoạn I Cung Trúc Lâm Yên Tử. Sau Cung Trúc Lâm, điện thờ Phật ngay phía sau Cung cũng sẽ được khởi công xây dựng.

9.            Lễ khánh thành chùa Trung Tiết

Sáng ngày 01/12/2018 (tức ngày 25/10/Mậu Tuất), BTS GHPGVN tỉnh Quảng Ninh kết hợp với UBND thị xã Đông Triều long trọng tổ chức lễ khánh thành chùa Trung Tiết. Đây là một trong ba công trình trọng điểm chào mừng Đại lễ tưởng niệm 710 năm ngày Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn.

Chùa Trung Tiết nằm ở thôn Nghĩa Hưng, xã An Sinh, thị xã Đông Triều. Đây là một di tích kiến trúc tôn giáo được xây dựng và tồn tại lâu đời có mối quan hệ chặt chẽ với quần thể khu di tích đền, miếu và lăng mộ các vị vua Trần ở Đông Triều. Chùa cũng là nơi lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa lịch sử, một dấu ấn về sự phát triển của thiền phái Trúc Lâm. Dự án xây dựng chùa Trung Tiết đã được Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch và UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt, giao cho BTS Phật giáo tỉnh Quảng Ninh và thị xã Đông Triều làm chủ đầu tư, tổng kinh phí xây dựng dự án khoảng 82 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa. Dự án đã được sự phát tâm công đức của quỹ Thiện Tâm thuộc tập đoàn VinGroup. Trải qua 3 năm tiến hành dự án và hơn 7 tháng chính thức thi công, dự án đã được đưa vào hoàn thiện.

 

Chùa Trung Tiết bao gồm các công trình chính: Đại hùng bảo điện thờ Phật và chư Bồ Tát, Thánh hiền; nhà Tổ thờ Phật hoàng Trần Nhân Tông và chư Tổ; Điện Vua thờ vua Trần Anh Tông – vị vua thứ 4 của nhà Trần và 2 vị trung thần của vua là Đặng Tảo và Lê Trung; Điện Mẫu thờ Thánh Mẫu Trần Triều cùng các công trình phụ cận như nhà Tăng, nhà khách, Trai đường, lầu chuông, lầu trống, cổng Tam quan v.v.. Tất cả đều được xây dựng bằng gỗ truyền thống, xây dựng theo lối kiến trúc mỹ thuật thời Trần đặc sắc.

10.         Khóa tu mùa hè Chùa Ba Vàng

Mấy năm trở lại đây, do điều kiện cơ sở vật chất tại nhiều chùa được sửa sang, tôn tạo nên các chùa trong tỉnh có điều kiện hơn để tổ chức các khóa tu mùa hè như chùa Trình Yên Tử, chùa Lân – thiền viện Trúc Lâm Yên Tử, chùa Ba Vàng; các khóa tu Một ngày an lạc hàng tháng như tại chùa Tiêu Dao, khóa tu Bát Quan Trai hàng tháng tại chùa Trình, Chùa Ba Vàng; các khóa tu nhân các ngày lễ quan trọng của Phật giáo ở nhiều chùa như chùa Duyên Phúc, chùa La Dương, chùa Long Tiên, chùa Phổ Am… Trong các khóa tu được tổ chức thì Khóa tu mùa hè tại chùa Ba Vàng có quy mô lớn nhất và số lượng các khóa sinh tham dự đông đảo nhất.

Khóa tu mùa hè là chương trình thường niên tại chùa Ba Vàng, một ngôi chùa có diện tích rất rộng và không gian cảnh quan đẹp mắt. Năm 2018, khóa tu mùa hè tại chùa Ba Vàng được tổ chức thành 3 đợt, cụ thể: Đợt 1, khóa tu dành cho các em học sinh sinh năm 2001 – 2002, diễn ra từ ngày mùng 09/6 – 17/6. Đợt 2, khóa tu dành cho các em học sinh sinh năm 2003 – 2005, diễn ra từ ngày 30/6 - 8/7. Đợt 3, khóa tu dành cho các em học sinh sinh năm 1990 – 2000 diễn ra từ ngày 28/7 – 05/8.

 

Mỗi đợt, nhà chùa đón khoảng 1000 em học sinh tham gia khóa tu mùa hè, đến từ mọi miền đất nước. Trong vòng 7 ngày tu tập các em được tham gia những trò chơi lành mạnh, bổ ích giúp cho các em phát huy được sự năng động, trí thông minh sáng tạo, tinh thần cởi mở và hòa nhập được với mọi người. Cùng với đó, trong khóa tu các em được giảng sư giảng về công ơn cha mẹ, học cách sống tri ân và đền ân, được chia sẻ những phương pháp thực hành vượt qua nghịch cảnh, thử thách, chông gai trong cuộc sống. Và điều đặc biệt hơn cả là các em sẽ được thực tập những điều Phật dạy để nuôi dưỡng tâm hồn, biết sống hướng thiện, hướng thượng.

Ban Truyền thông Phật giáo Quảng Ninh


Tin cùng chuyên mục