Phật giáo Quảng Ninh: Ban Trị sự các tỉnh thành cần mạnh dạn lên tiếng khi có văn bản gây ảnh hưởng đến hoạt động tôn giáo, đó là trách nhiệm với đạo pháp và dân tộc



TLYT - Sáng nay, ngày 12/7/2021, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang bùng phát tại nhiều tỉnh thành, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) đã tổ chức Hội nghị giao ban bộ phận Thư kí của 63 tỉnh thành theo hình thức trực tuyến. Hội nghị có sự tham dự của Thượng tọa Thích Đức Thiện – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư kí Hội đồng Trị sự (HĐTS), Chư Tôn đức lãnh đạo Văn phòng Trung ương Giáo hội và Chư Tôn đức Chánh Thư kí, Chánh Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh thành trong cả nước.

 
 
Hội nghị giao ban bộ phận Thư kí Ban Trị sự của 63 tỉnh thành được tổ chức trực tuyến

Tại Hội nghị, Ban Thư kí HĐTS Trung ương GHPGVN đã báo cáo tổng kết công tác Phật sự 6 tháng đầu năm và phương hướng hoạt động trong 6 tháng cuối năm 2021, trong đó có những nội dung triển khai công tác Phật sự trong điều kiện dịch Covid-19 đang bùng phát phức tạp.

Sau khi nghe báo cáo tổng kết 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, cũng như một số ý kiến của Chư Tôn đức lãnh đạo Ban Trị sự các tỉnh thành, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh đại diện là Thượng tọa Thích Đạo Hiển - Ủy viên HĐTS, Phó Trưởng ban kiêm Chánh Thư Kí Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh đã có một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, trong bối cảnh đất nước ta đang chung sức, đồng lòng đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, và cuộc chiến này chắc chắn còn kéo dài khi Vaccine còn thiếu và chưa có thuốc chữa; do đó để các hoạt động Phật sự trong thời gian tới được tốt, trong Hội nghị Ban Thường trực HĐTS Trung ương sắp tới, Ban Trị sự tỉnh Quảng Ninh đề xuất với Ban Thư kí HĐTS tham mưu với Ban Thường trực HĐTS xem xét đưa ra một nghị quyết giống như Nhà nước về việc thực hiện “mục tiêu kép”. Nếu như Nhà nước vừa đặt mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, vừa phòng chống dịch bệnh; thì Phật giáo cũng phải vừa hoạt động công tác Phật sự, duy trì tu tập, vừa phòng chống dịch bệnh trong tình hình mới. Nếu GHPGVN có một nghị quyết tổng thể này thì mọi hoạt động Phật sự cụ thể đều căn cứ theo đó mà thực hiện, không cần những quy định riêng lẻ mỗi khi đến các dịp Phật đản, Vu lan, An cư kết hạ…

Thượng tọa Thích Đạo Hiển - Ủy viên HĐTS Trung ương GHPGVN, Phó trưởng ban kiêm Chánh Thư kí Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại cuộc họp 

Thứ hai, về một số hoạt động quan trọng trong 6 tháng cuối năm, trong đó có Đại hội Phật giáo cấp huyện và công tác kỉ niệm 40 năm ngày thành lập GHPGVN. Riêng tại Quảng Ninh, công tác chuẩn bị đã tương đối đầy đủ, từ nhân sự, văn kiện, các khâu chuẩn bị. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh nên nếu dịch bệnh tạm lắng xuống, Phật giáo Quảng Ninh dự kiến tổ chức Đại hội trong vòng nửa tháng, mỗi ngày có thể tổ chức Đại hội Phật giáo ở một huyện. Tất nhiên, cũng còn căn cứ vào tình hình thực tiễn, nhưng nếu phải tổ chức Đại hội trực tuyến như một số Ban Trị sự đưa ra thì rất khó. Thượng tọa đề xuất, nếu như vẫn còn dịch bệnh thì có thể tổ chức Đại hội giãn cách, hoặc một Hội nghị tổng kết công tác Phật sự 5 năm của huyện, trong đó có phương hướng, nhiệm vụ và công tác nhân sự. Như vậy sẽ phù hợp hơn.

Thứ ba, về Dự thảo Thông tư của Bộ Tài chính, trong đó liên quan đến việc quản lý tiền công đức, Phật giáo Quảng Ninh rất hoan hỉ và tán thán Ban Thường trực HĐTS đã có một văn bản rất đúng mực, đầy đủ, chi tiết, hợp lý gửi đến các Bộ, ngành liên quan. Chưa bao giờ trong lịch sử Việt Nam có việc Nhà nước quản lý tiền công đức của tôn giáo. Quy trình của Bộ Tài chính từ đầu đã không đúng khi không lấy ý kiến của các tổ chức bị ảnh hưởng, trong khi ban hành bất cứ một văn bản quy phạm Pháp luật nào cũng phải lấy ý kiến của tổ chức bị ảnh hưởng trực tiếp của văn bản ấy. Đây là vấn đề đã tồn tại nhiều năm. Không chỉ có những văn bản không phù hợp của Trung ương mà còn những văn bản không phù hợp của chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện. Vấn đề liên quan đến quản lý tiền công đức là vấn đề chung của cả Phật giáo, Thượng tọa cho rằng Ban Trị sự các tỉnh thành nên đưa ra ý kiến của mình thay vì như hiện tại chỉ có một số Ban Trị sự có ý kiến. Bởi vì nếu Nhà nước đã quản lý được tiền công đức của chùa này thì sẽ quản lý được chùa khác, và chúng ta đưa ra ý kiến là thể hiện trách nhiệm với Nhà nước chứ không phải phản đối Nhà nước. Chúng ta đóng góp ý kiến dựa trên các văn bản Pháp luật mà Nhà nước đã ban hành và truyền thống văn hóa, đạo đức hàng ngàn năm nay của dân tộc Việt Nam đối với tín ngưỡng, tôn giáo.

Không chỉ có việc này mà còn nhiều vấn đề khác liên quan đến Phật giáo, Ban Trị sự tỉnh Quảng Ninh đề nghị Chư Tôn đức lãnh đạo Giáo hội các địa phương khi có những văn bản của chính quyền các cấp ảnh hưởng đến các hoạt động tôn giáo thì chúng ta phải mạnh dạn lên tiếng, để khẳng định trách nhiệm của mình với nhân dân, tín đồ, với đạo pháp và dân tộc. Khi đưa ra ý kiến nên tập hợp về một mối để Giáo hội hoặc Giáo hội các cấp sẽ có văn bản chính thức. Ý kiến thì đã có người phát ngôn của Giáo hội Trung ương, còn Phật giáo địa phương chỉ cần một người phát ngôn, để đưa ra ý kiến chuẩn mực, phù hợp, đúng quy định của Phật giáo và Pháp luật, không tùy ý đăng tải lên các trang mạng xã hội để tránh những ý kiến trái chiều không hay gây ảnh hưởng đến Phật giáo.

Thượng tọa cũng cho biết, Phật giáo Quảng Ninh trong hai năm qua cũng như các địa phương khác đều chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng các hoạt động Phật sự cơ bản vẫn thông suốt, chư Tăng Ni vẫn bình an tu tập, ổn định và Ban Trị sự tỉnh Quảng Ninh vẫn luôn bám sát những nghị quyết của Trung ương Giáo hội, những chỉ đạo thực tế tại địa phương để lãnh đạo Phật giáo tỉnh phát triển hài hòa trong lòng Giáo hội và trong lòng dân tộc.

 
 

Chư Tôn đức lãnh đạo Ban Trị sự các tỉnh thành cũng đã có nhiều ý kiến đóng góp cho những phương hướng hoạt động của GHPGVN trong 6 tháng cuối năm. Ban Thư kí HĐTS sau khi lắng nghe những ý kiến của các Ban Trị sự sẽ tập hợp lại và báo cáo về HĐTS Trung ương GHPGVN.

Mai Anh


Tin cùng chuyên mục