Giải pháp phát huy vai trò của Phật giáo trong xây dựng đời sống văn hoá ở cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh


TLYT - Tại Đại hội Đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Ninh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2024 - 2029 được tổ chức sáng ngày 31/7/2024 tại TP. Hạ Long, Thượng tọa Thích Đạo Hiển - Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương GHPGVN, Phó trưởng ban kiêm Chánh Thư kí Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh đã đại diện Ban Trị sự GHPGVN tỉnh trình bày tham luận với đề tài: “Giải pháp phát huy vai trò của Phật giáo trong xây dựng đời sống văn hoá ở cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”.

Sau đây, BBT Trúc Lâm Yên Tử xin giới thiệu đến quý độc giả toàn văn bài tham luận:


Kính thưa Đoàn chủ tịch Đại hội!

Kính thưa quý vị đại biểu!

Chúng tôi vô cùng vinh dự được tham dự Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Ninh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2024 - 2029; lời đầu tiên thay mặt Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh Quảng Ninh xin gửi tới quý vị đại biểu tham dự đại hội lời chào đại đoàn kết và lời chúc mừng tốt lành nhất, chúc toàn thể quý vị sức khoẻ, an lạc và thành công. Chúc đại hội thành công viên mãn.

Trước tiên chúng tôi hoàn toàn nhất trí với các báo cáo mà Ban tổ chức đã trình tại đại hội. Để góp phần làm sinh động và phong phú nội dung, giải pháp thực hiện; Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh xin trình bày tham luận với nội dung “Giải pháp phát huy vai trò của Phật giáo trong xây dựng đời sống văn hoá ở cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”.

 
Thượng tọa Thích Đạo Hiển - Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương GHPGVN, Phó trưởng ban kiêm Chánh thư kí Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh 

Kính thưa đại hội!

Đạo Phật là tôn giáo yêu nước, yêu nước từ trong bản chất lời Phật dạy và hành động tu hành; yêu nước từ trong lịch sử và thực tiễn tu học của Tăng Ni, Phật tử; Đức Phật dạy: đệ tử của Đức Phật phải như con ong cần cù, chăm chỉ đưa lại mật ngọt cho đời mà không làm hại các loài hoa. Giáo lý Đức Phật có muôn vàn pháp môn khác nhau, tuy nhiên đệ tử Đức Phật phải thuyết giảng và thực hành trên tinh thần khế lý - khế cơ - khế thời - khế xứ, nghĩa là chúng ta phải hiểu và thực hành lời Phật dạy phù hợp với chân lý, phù hợp với căn cơ trình độ, phù hợp với thời đại và phù hợp với điều kiện thực tế từng đất nước, địa phương khác nhau. Phật giáo Quảng Ninh tự hào với truyền thống Đạo Pháp - Dân Tộc “Cư Trần Lạc Đạo”, “Hoà quang đồng trần” của Phật Hoàng Trần Nhân Tông và Chư Liệt vị tổ sư Trúc Lâm Yên Tử chỉ dạy: lấy tâm thiện hạ làm tâm của mình, lấy ý muốn thiên hạ làm ý muốn của mình, tất cả vì bình yên, hạnh phúc của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: Đạo Phật là Đạo thuần mỹ, chí thiện, yên vui và no ấm.

Trong nhiều năm qua phát huy truyền thống nhập thế của Đạo Phật, Tăng Ni, Phật tử Quảng Ninh đã có nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng các phong trào của nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và tỉnh Quảng Ninh phát động và đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp như: phong trào đền ơn đáp nghĩa, phong trào xây dựng nhà đại đoàn kết cho các hộ nghèo, phong trào ủng hộ các quỹ khuyến học, khuyến tài, chất độc da cam dioxin, ủng hộ đồng bào thiên tai lũ lụt, phong trào đóng góp quỹ Vacxin và ủng hộ quỹ đại dịch Covid - 19, tặng quà cho các đối tượng khó khăn trong dịp tết nguyên đán và các đại lễ…. Tất cả các hoạt động đó đã góp phần xây dựng cuộc sống nhân dân ta tốt hơn, tất cả vì hạnh phúc của con người.

Chúng tôi rất tâm đắc trong việc góp phần của Phật giáo vào việc xây dựng đời sống văn hoá ở cộng đồng khu dân cư trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh trong thời gian tới với những giải pháp sau đây:

Một là: phát huy tinh thần đoàn kết, tích cực vận động nguồn lực trong việc xây dựng các thiết chế văn hoá cộng đồng nhằm phục vụ và nâng cao đời sống văn hoá của nhân dân. Trong nhiều năm qua, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ninh và các Tăng Ni trụ trì các chùa tại các địa phương đã rất tích cực trong việc vận động, kêu gọi các nguồn kinh phí xã hội hoá, các nguồn công đức để quy hoạch, trùng tu, xây dựng các di tích lịch sử văn hoá tại các địa phương góp phần vào việc bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích đồng thời khôi phục và lan toả truyền thống văn hoá, lễ hội tại các địa phương, qua đó đã góp phần hữu hiệu vào việc biến di tích, lễ hội, các thiết chế văn hoá trở thành nội lực quan trọng trong đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội tại địa phương.

Hai là: phát huy tinh thần hoà hợp, ứng dụng triết lý “lục hoà cộng trụ”, “vô ngã vị tha” trong việc xây dựng tinh thần đoàn kết cộng đồng. Nói tời đạo Phật là nói tới tinh thần hoà hợp với 6 đặc trưng cơ bản sau đây: “Thân hoà cộng trụ - khẩu hoà vô tranh - ý hoà đồng duyệt - giới hoà đồng tu - kiến hoà đồng giải - lợi hoà đồng quân” nghĩa là: thân thể của mọi công dân đều bình đẳng để sống và phấn đấu, lời nói của mọi người phải hoà nhã trên tinh thần xây dựng, ý kiến đóng góp của mọi người phải hoà hợp vì lợi ích chung của cộng đồng, các quy định của tập thể mọi người đều phải bình đẳng trong việc thực hiện, nhận thức thấy biết của mọi người phải được giải bày để cùng nhau tiến bộ và lợi ích trong cộng đồng phải được bình đẳng tất cả phục vụ nhân dân.

Ba là: Phát huy tinh thần từ - bi - hỷ - xả của Đạo Phật ứng dụng vào đời sống xã hội, động viên Tăng Ni, Phật tử tích cực tham gia các phong trào ích nước lợi dân nhằm xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Đạo Phật là đạo của từ - bi - hỷ - xả nghĩa là: phải thương người, cứu người, vui vẻ với mọi người và tha thứ cho lỗi lầm cho mọi người. Tinh thần này phù hợp với truyền thống đạo đức, văn hoá của dân tộc trong việc đẩy mạnh các phong trào từ thiện nhân đạo và xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư. Đó chính là truyền thống “lá lành đùm lá rách”, “bầu ơi thương lấy bí cùng” và truyền thống nhân hậu của nhân dân ta.

Bốn là: Ứng dụng tinh thần hiếu đạo, tri ân của Phật giáo trong việc bồi dưỡng đạo đức nhân sinh, nhằm xây dựng xã hội ta ngày càng tốt đẹp hơn. Phật giáo đề cao tinh thần hiếu đạo và đề cao bốn ơn nặng, mọi người trong gia đình và cộng đồng xã hội đều phải thực hiện đó là: con cháu phải nhớ ơn và phụng dưỡng ông bà, cha mẹ; học sinh phải nhớ ơn thầy cô và những người truyền đạt đạo đức và trí tuệ dạy dỗ mình nên người, mọi người, mọi công dân phải biết ơn cộng đồng xã hội trong mối tương sinh, tương giao và mọi công dân đều biết ơn quê hương, đất nước, tổ quốc. Làm tốt được 4 điều này thì sẽ góp phần xây dựng được nền văn hoá mới, đạo đức mới trên nên tảng cốt lõi của đạo đức truyền thống mang tính bền vững góp phần vào việc xây dựng gia đình văn hoá, khu dân cư văn hoá.

Kính thưa đại hội!

Tỉnh Quảng Ninh đang trong vận hội mới để xây dựng tỉnh nhà trở thành tỉnh phát triển toàn diện với 6 đặc trưng mang tính phổ quát đó là: “thiên nhiên tươi đẹp - văn hoá đặc sắc - xã hội văn minh - hành chính minh bạch - kinh tế phát triển - nhân dân hạnh phúc”. Chúng tôi tin rằng với sự vào cuộc của cộng đồng xã hội và nhân dân, với truyền thống văn hoá khai phóng của Phật giáo Trúc Lâm, với tinh thần đoàn kết đồng tâm của người Quảng Ninh; chúng ta chắc chắn sẽ xây dựng tỉnh nhà giàu đẹp và văn minh.

Cuối cùng xin kính chúc sức khoẻ, hạnh phúc đến với toàn thể quý vị đại biểu, chúc đại hội thành công tốt đẹp.


Tin cùng chuyên mục