Chùa Suối Tắm


      
   Chùa Suối Tắm là ngôi chùa gắn liền với truyền thuyết về việc vua Trần Nhân Tông lêm Yên Tử tu hành, khi qua đây Ngài đã nghỉ lại bên suối và xuống tắm nên nhân dân ở đây gọi là suối vua tắm hay Suối Tắm.

   Chùa Suối Tắm là ngôi chùa gắn liền với truyền thuyết về việc vua Trần Nhân Tông lin Yên Tử tu hành, khi qua đây Ngài đã nghỉ lại bên suối và xuống tắm nên nhân dân ở đây gọi là suối vua tắm hay Suối Tắm.

   Chùa Suối Tắm trước đây chỉ là một ngôi miếu nhỏ do nhà sư chùa Linh Nham (chùa Cầm Thực) dựng lên thờ Nguyệt Nga công chúa, em gái quận Hẻo Nguyễn Hữu Cầu (một lãnh tụ của nhân dân khởi nghĩa ở thế kỷ XVIII) với ý định cho Nguyệt Nga canh giữ cửa rừng, ngăn ranh giới giữa trần và Phật. Tới đầu thập kỷ ba mươi của thế kỷ XX nhà tư sản Bạch Thái Bưởi khai thác than ở khu vực này để tạ thần núi, ông cùng vợ ba cho dựng một ngôi miếu thờ Mẫu Địa (hiện nay là phần hậu cung, bái đường của ngôi chùa). Bức đại tự đề "Đệ Nhị Địa Thiên" và bức cửa võng khắc mai hoá rồng cũng được tạc lên vào thời đó.

   Thời kỳ chống Pháp, chùa Cầm Thực bị cháy, chuông, tượng của chùa được nhân dân trong vùng chuyển xuống miếu này. Miếu thờ tượng Phật nên mặc nhiên trở thành chùa. Vì vậy ngày nay miếu trở thành trước thờ Thần sau thờ Phật. Không rõ ngày tháng năm nào có một đoàn công đức ở Thuỷ Nguyên sang xây mở rộng bái đường, ngôi chùa rộng rãi và quy mô hơn.

 

   Chùa toạ lạc trên thế đất hình đầu rùa. Kiến trúc kiểu chữ "đinh" thu hồi bít đốc, cửa cuốn vòm. Trước cửa chùa là một dòng suối, quanh năm nước chảy róc rách, suối đá nhấp nhô. Xung quanh chùa rất nhiều cây cổ thụ, đặc biệt còn những cây đại cổ thụ (400 - 500 tuổi) nằm nghiêng nghiêng trên bờ suối. 

   Chùa được chia làm ba gian: Gian ngoài là bái đường, nơi Phật tử ngồi tụng Kinh niệm Phật. Hiện vật ở đây được bài trí như sau: Bên phải là tượng Tổ, bên trái có treo một chiếc chuông đồng (được chuyển từ chùa Cầm Thực xuống).

   Gian tiếp theo, hai bên là hai câu đối, trên là một bức hoành phi.

·               Hoành phi:     "Tiên tắc danh" (có tiên ắt nổi tiếng).

·               Câu đối:         "Yên sơn cầm tú lưu thanh sử

                         Bích thuỷ vân hoa cảnh sắc tiên".

·               Dịch nghĩa:    "Non Yên gấm vóc lưu thanh sử

                        Nước biếc, mây, hoa cảnh sắc tiên".

   Chính giữa là một án gian để đồ thờ, trên án gian đặt bát hương đồng và tượng Thích Ca sơ sinh. Bên trái đặt tượng Đức Ông; bên dưới là ban thờ ông Ngũ Hổ. Bên phải đặt tượng Đức Thánh Tăng và Đức Thánh Trần (có hai pho tượng Trần Hưng Đạo), tượng thờ đặt trên án gian bằng gỗ.

   Gian trong cùng là hậu cung, trung tâm hậu cung treo một bức cửa võng, trang trí hình cúc hoá rồng. Các tượng thờ ở hậu cung được đặt trên một bục tam cấp. Cấp một thờ Tam Thế Phật, cấp hai thờ Phật Di Đà, Quan Thế Âm và Đại Thế Chí, cấp ba thờ Quan Âm Chuẩn Đề và tượng Thích Ca sơ sinh (tượng này bị mất một tay phải).

   Hiện vật trong chùa gồm 13 pho tượng, một bức cửa võng mai hoá rồng, một hòm sắc bằng gỗ đều có niên đại từ thế kỷ XIX.

   Chùa Suối Tắm trải qua thời gian xây dựng đã lâu, khí hậu khắc nghiệt vì vậy công trình kiến trúc ở đây bị phá huỷ nhiều.

   Năm 2009, chùa Suối Tắm được Ban quản lý cá Di tích trọng điểm trùng tu tôn tạo lại với quy mô rộng và khang trang hơn ngay cạnh chùa cũ, trong khuôn viên với tổng diện tích hơn 800m2:

 

   Nhà Tam Bảo, diện tích gần 200m2. Kết cấu hình chữ "đinh", gồm ba gian hai chái, bái đường và một gian hậu cung, mái lợp ngói mũi hài, đầu đao bốn mái trang trí hình mây cuộn và rồng, trên bờ nóc trang trí hình rồng ngậm bờ nóc, toàn bộ hệ thống cửa chính được trang trí theo kiểu thượng song hạ bản, hai chái là hai cửa sổ hình tròn được trang trí hình chữ "thọ" cách điệu.

   Nhà Tổ có diện tích gần 100m2, mái lợp ngói mũi hài, đầu đao bốn mái trang trí hình mây cuộn và rồng, trên bờ nóc trang trí hình rồng ngậm bờ nóc, toàn bộ hệ thống cửa chính được trang trí theo kiểu thượng song hạ bản, hai chái là hai cửa sổ hình tròn được trang trí hình chữ "thọ" cách điệu. Lầu chuông, lầu trống có diện tích hơn 30m2, mái lợp ngói mũi hài, đầu đao bốn mái trang trí hoa văn mây xoắn, ngoài ra còn có các công trình phụ trợ khác như bếp, nhà vệ sinh, khuôn viên sân vườn... Chùa Suối Tắm được xây dựng dưới chân núi, ngay sát bên bờ suối, lấy núi làm chỗ dựa, lấy suối làm gương soi, không gian trang nghiêm, tĩnh mịch, phong cảnh sơn thuỷ hữu tình khác biệt hẳn với thế giới xung quanh. Tuy nhiên, chùa vẫn đảm bảo được công năng sử dụng cũng như thuận tiện về giao thông.

   Toàn bộ hệ thống tượng ở đây gồm 23 pho được bài trí như sau: Chùa chính, bên trái tiền đường là tượng Đức Ông, tiếp đến là tượng ông Khuyến Thiện; bên phải là tượng Đức Thánh Tăng, tiếp đến là tượng ông Trừng Ác, bên phải phía trái gian tiền đường đặt một tượng Đức Thánh Tăng.

   Gian hậu cung, chính giữa là ban thờ Tam Bảo chia thành bốn cấp: cấp thứ nhất là Tam Thế Phật; cấp thứ hai là Phật Tổ, hai bên là Văn Thù và Phổ Hiền; cấp thứ ba là Phật A Di Đà, A Nan và Ca Diếp; cấp thứ tư là Quan Âm Chuẩn Đề, ngoài ra còn toà Cửu Long được đặt trên sập thờ.

   Nhà Tổ, gian giữa là ban thờ Tam Tổ; bên phải ban thờ Mẫu (có ba pho tượng Mẫu), bên trái là ban thờ Mẫu (một pho tượng Mẫu). Toàn bộ hệ thống tượng ở chùa chính và nhà Tổ mới được đưa vào thờ tự năm 2011, khi khánh thành chùa.

Chùa Suối Tắm là nơi cửa Phật, nơi mọi người vào làm lễ trình trước khi vào đất Phật, ngoài ra ở đây còn có miếu thờ với chức năng thờ Mẫu (công chúa Nguyệt Nga).


Tin cùng chuyên mục