Hội thảo khoa học Thiền sư Pháp Loa – Sự nghiệp tu hành, thiền học và dấu ấn lịch sử



TLYT - Ngày 11/12/2020, tại thị xã Đông Triều, Viện Trần Nhân Tông thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) phối hợp cùng Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Quảng Ninh, Sở Văn hóa và Thể thao và UBND thị xã Đông Triều tổ chức Hội thảo “Thiền sư Pháp Loa: Sự nghiệp tu hành, Thiền học và dấu ấn lịch sử - kỷ niệm 690 năm ngày Đệ nhị tổ Pháp Loa viên tịch”.

 Hội thảo khoa học Thiền sư Pháp Loa – Sự nghiệp tu hành, thiền học và dấu ấn lịch sử - ảnh 3

Hội thảo tập trung nghiên cứu, thảo luận, làm rõ hành trạng, sự nghiệp tu hành và vai trò, vị trí của Thiền sư Pháp Loa trong Phật giáo Trúc Lâm đời Trần và Phật giáo Việt Nam nói chung; khai thác và phát huy những giá trị và sự gợi mở từ sự nghiệp của Thiền sư Pháp Loa nói riêng, Phật giáo Trúc Lâm nói chung đối với đời sống đương đại. Hội thảo cũng là hoạt động thiết thực của chính quyền, các tầng lớp nhân dân, giới nghiên cứu, các nhà tu hành, thể hiện thái độ trân trọng ghi nhận và nỗ lực bảo tồn phát huy những giá trị trong sự nghiệp và di sản của Thiền sư Pháp Loa và thiền phải Trúc Lâm.

Giám đốc ĐHQGHN, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn - Viện Trưởng Viện Trần Nhân Tông; Thượng tọa TS.Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam; Thượng tọa TS.Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội đồng Trị sự GHPGVN; GS.TSKH Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng KH&ĐT ĐHQGHN và Viện Trần Nhân Tông; Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh tham gia chủ trì Hội thảo.

  

Tham dự Hội thảo còn có đại diện các Bộ, Ban, Ngành, cơ quan Trung ương đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, thị xã Đông Triều cùng đông đảo học giả, các nhà nghiên cứu.

Hội thảo đã nhận được gần 100 bài tham luận từ các vị lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các nhà trí thức Phật giáo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến từ các đơn vị khoa học trên cả nước. Các bài tham luận đã đi sâu vào các nội dung thuộc chủ đề Hội thảo, cung cấp thêm những cách tiếp cận mới, tư liệu mới, nhận thức - đánh giá mới về sự nghiệp, di sản, vai trò, ảnh hưởng của Thiền sư Pháp Loa, Thiền phái Trúc Lâm đối với quá khứ, hiện tại và định hướng tương lai.

Thiền sư Pháp Loa (1284 - 1330), tục danh là Đồng Kiên Cương, là Tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Với 47 năm trụ thế, 26 năm tu đạo - hành đạo, Thiền sư Pháp Loa đã kế thừa và phát triển sự nghiệp mà Sơ tổ Trúc Lâm - Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã tạo lập, góp phần quan trọng trong việc hoằng dương Phật pháp, phát triển Thiền phái Trúc Lâm Yên tử, có đóng góp to lớn không chỉ đối với Phật giáo Việt Nam, mà còn đối với lịch sử - văn hóa dân tộc Việt Nam; không chỉ trong quá khứ, mà còn có nhiều ảnh hưởng và giá trị gợi mở đối với hiện tại và tương lai.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông PGS.TS Nguyễn Kim Sơn cho biết: Pháp Loa là một nhà tổ chức tài năng của giáo đoàn Trúc Lâm, nhà hoằng pháp rất hiệu quả và có ảnh hưởng xã hội sâu rộng, một nhà hoạt động xã hội rất có ảnh hưởng đời Trần. Ông là học giả, người chủ trì việc soạn sách, in kinh, dịch kinh, giảng kinh. Ông là một nhà tư tưởng có nhiều đóng góp cho sự tiếp nối tư tưởng Phật giáo Việt Nam giai đoạn rực rỡ nhất, phát triển tư tưởng Thiền, dung hợp Thiền Mật... Trong Thiền phái Trúc Lâm Ông có vai trò rất nổi bật. Nếu Sơ tổ Trần Nhân Tông là người mở dòng, kiến tạo thì Pháp Loa là người kế tục, triển khai, người thực thi các phương châm của Sơ Tổ cả trên phương diện lãnh đạo tinh thần và dẫn dắt về tổ chức. Ông đã để lại dấu ấn lớn trong lịch sử Phật giáo Việt Nam nói riêng và lịch sử văn hóa Việt Nam nói chung. Pháp Loa đã phát triển Phật giáo Việt Nam về phương diện học thuật, phương diện thực hành tu tập, chứng ngộ giải thoát khiến cho tầm vóc của Phật giáo Việt Nam xứng đáng trở thành một phần quan trọng có đóng góp cho Phật giáo thế giới

Gửi lời cảm ơn tới các đơn vị, tổ chức và cá nhân đã đồng hành cùng ĐHQGHN, Giám đốc Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, Đông Triều - Ngọa Vân - nơi tổ chức Hội Thảo kỷ niệm 690 năm viên tịch của đệ nhị tổ Pháp Loa, chính nơi đây, một phần của không gian Yên Tử, với Ngọa Vân, Hồ Thiên, Quỳnh Lâm... những nơi mà Nhị Tổ đã tu tập, giảng Pháp, là một phần quan trọng mang tính chất đại bản doanh của Thiền phái Trúc Lâm. Gần 100 bài gửi tới tham dự hội thảo với nhiều chủ đề phong phú của các học giả đã thể hiện mối quan tâm và tấm lòng của các vị đối với Nhị Tổ Pháp Loa và với sự nghiệp văn hóa học thuật của đất nước.

 

Thượng tọa, Tiến sĩ Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN nhấn mạnh: di sản mà Nhị tổ Pháp Loa để lại cho Phật giáo Việt Nam cho đến ngày nay vẫn là ngọn đuốc soi sáng, hội thảo đã giúp cho GHPGVN phát huy giá trị những giá trị của chư tổ của Phật giáo Trúc Lâm, một trong những dòng thiền đặc sắc của Việt Nam. Có thể nói rằng, GHPGVN ra đời là sự kết tinh và kế thừa, đáp ứng nguyện vọng nghìn năm của tăng ni Phật tự Phật Giáo Việt Nam trong lịch sử, ngày nay GHPGVN đã phát huy tinh thần nhập thế đó vào công cuộc hoàng dương chính pháp cũng như phụng sự xã hội.

 

Nhiều bài tham luận không chỉ đề xuất quan điểm, giải pháp bảo tồn, quảng bá các di sản, di tích liên quan đến Thiền sư Pháp Loa, các giá trị di sản tư tưởng - văn hóa của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, mà còn tư vấn, kiến nghị chính sách khai thác, phát huy nguồn lực lịch sử - văn hóa đặc sắc, phục vụ phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, văn hóa - con người của địa phương.

Hội thảo khoa học “Thiền sư Pháp Loa – Sự nghiệp tu hành, thiền học và dấu ấn lịch sử” góp phần phát huy hơn nữa giá trị văn hóa, lịch sử, tinh thần của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử cũng như các di tích thời Trần trên địa bàn tỉnh.

Cũng trong khuôn khổ của Hội thảo, các đại biểu và các nhà khoa học còn tham dự Lễ khánh thành tu bổ chùa Quỳnh Lâm, một ngôi chùa mà Thiền sư Pháp Loa đã cho tôn tạo, mở mang để trở thành trung tâm Phật giáo lớn nhất của Việt Nam, được coi là Trường đại học Phật giáo đầu tiên và là nơi lưu giữ kinh sách của Thiền phái Trúc Lâm thời nhà Trần. Mang trong mình dấu tích của thời kỳ phát triển rực rỡ của nền Phật giáo Việt Nam từ thời đại Lý – Trần, chùa Quỳnh Lâm đóng vai trò là trung tâm Phật giáo quan trọng trong thế kỉ XIV với nhiều hoạt động của Thiền sư Pháp Loa – vị sư tổ thức hai của Thiền phái Trúc Lâm.

Hội thảo diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 10 đến ngày 12/12/2020 tại Thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Bên cạnh những hoạt động chuyên môn, các đại biểu và các nhà khoa học, nhà nghiên cứu sẽ tham dự một số hoạt động văn hóa liên quan khác trên địa bàn.

 PV

 


Tin cùng chuyên mục