Giáo dục Phật giáo tạo nguồn lực cho sự phát triển


TLYT - Gần 40 năm qua, các thế hệ tăng tài của cả nước, vẫn luôn nhớ về Học viện Phật giáo Việt Nam (HVPGVN) tại Hà Nội với những ký ức không bao giờ quên.


Bảo tàng HVPGVN tại Hà Nội. Ảnh: Trà Vân

Đã có hàng ngàn tăng ni sinh, sau khi được trau dồi tri thức phẩm hạnh để về trụ xứ các ngôi chùa. Họ đem theo kiến thức, tình thương trên con đường hoằng dương chính pháp, lợi lạc quần sinh. Mỗi dịp được về thăm học viện, họ đều mang theo những tình cảm thiêng liêng, kính trọng dâng lên các bậc tiền bối, những người thầy kính yêu.

Chư tôn đức GHPGVN tham dự sự kiện Hội thảo Ni sư Diệu Nhân do HVPGVN tại Hà Nội  tổ chức. Ảnh: Trà Vân

Đã có hàng ngàn tăng ni sinh tốt nghiệp HVPGVN tại Hà Nội. Ảnh: TV

Ngày 7/11/1981,  Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận (1897 - 1993) đảm nhận ngôi vị Pháp chủ GHPGVN tại Hội nghị Đại biểu Thống nhất PGVN đề đạt nguyện vọng được thiết lập trường Phật học trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Tại Thủ đô Hà Nội được phép thiết lập một trường đại học Phật giáo.

Kể từ đó, khóa I đến khóa IV các hệ đào tạo Trung cấp, Cao đẳng, Cử nhân Phật học với hình thức học nửa nội trú nửa ngoại trú được mở ra tại giảng đường của chùa Quán Sứ với sự tham gia của các vị cao tăng, chư tôn đức có học vị cao giàu kinh nghiệm được cung thỉnh làm giảng sư đứng lớp. Đây là dấu mốc quan trọng của nền giáo dục PGVN.

 
 
 
Tu - học là 2 lĩnh vực quan trọng được HVPGVN tại Hà Nội quan tâm. Ảnh: T.V 

Đến đầu năm 2000, số lượng tăng ni sinh ngày càng đông, cơ sở vật chất ở chùa Quán Sứ không đáp ứng nhu cầu dạy-học.

Nhiều năm liền, cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Tứ - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN, Viện trưởng HVPGVN tại Hà Nội, cùng các cộng sự tìm kiếm nhiều địa điểm để xây dựng học viện.

Cuối năm 2003, Hòa thượng Thích Thanh Tứ giao nhiệm vụ cho Thượng tọa Thích Thanh Quyết làm Trưởng Ban Quản lí dự án xây dựng học viện với nhiệm vụ lựa chọn địa điểm, lập hồ sơ dự án, vận động nguồn kinh phí.

Được sự đồng thuận, tạo điều kiện của các cấp chính quyền, tháng 9/2004, học viện chính thức được khởi công.

Học viện tọa lạc trên khu đất gần 11ha, tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn. Nơi đây gắn với Quần thể Di tích Quốc gia đặc biệt, Di sản Phi vật thể của thế giới: Đền Gióng, tượng Gióng. Đặc biệt nằm cạnh chùa Non - nơi Quốc sư Khuông Việt (933 - 1011) trụ trì.

Sau hơn 2 năm xây dựng, học viện hoàn thành một số công trình cơ bản: Nhà công vụ, Bảo tàng Phật giáo, ký túc xá, trai đường đáp ứng nhu cầu nội trú tu - học cho 600 tăng ni sinh và phục vụ chư tôn đức, giảng sư tới làm việc cũng như tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học cấp quốc gia và quốc tế.

Ông Hoàng Văn Nghiên, nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội, người gắn bó với sự hình thành và phát triển học viện nhớ lại: Tôi xem đây là một sự khởi đầu và kỳ tích của học viện trong quá trình xây dựng… Các cấp chính quyền của TP Hà Nội tạo mọi điều kiện để học viện có được cơ sở đào tạo Phật giáo xứng tầm.

Nếu giáo dục là tấm gương sinh động và trung thực phản ánh trình độ văn hóa, sự thịnh suy của mỗi quốc gia; thì, giáo dục Phật giáo phản ánh rõ nét những cung bậc thăng trầm của Phật giáo trong tiến trình lịch sử.

Nhiều hội thảo khoa học mang tầm quốc gia và quốc tế do HVPGVN tại Hà Nội tổ chức. Ảnh: T.V 

Hòa thượng Thích Quảng Tùng, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Viện trưởng HVPGVN tại Hà Nội cho rằng, việc đào tạo ra mỗi thế hệ tăng tài để họ thực hiện vai trò tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự” với trọng trách “truyền trì mạng mạch Phật pháp”, phục vụ xã hội.

40 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, đến HVPGVN tại Hà Nội đã và đang đào tạo được 8 khóa hệ cử nhân, 5 khóa hệ cao đẳng và 2 khóa hệ sau đại học (thạc sĩ và tiến sĩ Phật học).

Chỉ riêng với hệ cử nhân, qua 7 khóa học, học viện đã cung cấp cho Giáo hội và xã hội 1.304 vị tăng ni có học vị cử nhân Phật học, đủ hạnh tuệ đảm trách sự nghiệp hoằng pháp trong các lĩnh vực ở khắp mọi miền của Tổ quốc. Con số thống kê đã nói lên tiếng nói khách quan, trung thực và có sức thuyết phục nhất về sự trưởng thành của HVPGVN tại Hà Nội trong xu thế phát triển chung của đất nước, của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

HVPGVN tại Hà Nội, còn là nơi hội tụ trí tuệ của các nhà nghiên cứu đầu ngành về triết học Phật giáo, sử học Phật giáo, văn học Phật giáo và ngôn ngữ học…. để tổ chức các hội thảo cấp quốc gia, quốc tế. Điển hình, Hội thảo khoa học Giáo dục Phật giáo hiện trạng và giải pháp (2012), Hội thảo khoa học Phật hoàng Trần Nhân Tông (2018); Hội thảo Ni sư Diệu Nhân và ni giới toàn quốc (2019) thu hút hàng trăm học giả tham gia, hàng ngàn chư tăng ni của cả nước tham dự.

Với 4 năm nội trú tu - học ở học viện, tăng ni sinh được rèn luyện ý thức tự giác, hạnh lục hòa phải thực tập đạo đức, thiền, định, trí tuệ.

Mỗi tăng ni sinh đều có chung cảm giác an yên, tự tại, hòa đồng, thanh tịnh khi học tập và sinh hoạt tại học viện.

Ngoài những giờ học trên giảng đường, tăng, ni sinh tham gia câu lạc bộ văn hóa thể thao, văn nghệ quần chúng; lao động tập thể… để rèn luyện thể chất.

Được đào tạo về tri thức là được tăng trưởng về trí tuệ, và trong đạo Phật, từ bi gắn liền với trí tuệ. Không hiểu Phật pháp đúng nghĩa thì không thể có tình thương đích thực với chúng sinh. Trí tuệ được hội tụ, thì tình thương mới lan tỏa.

Hiện, Hội thảo khoa học có 4 HVPGVN tại Hà Nội, Huế, TP. Hồ Chí Minh, và Cần Thơ; 35 trường trung cấp Phật học Việt Nam tại các tỉnh, thành phố; 8 lớp cao đẳng Phật học, hàng trăm lớp sơ cấp Phật học tại các cơ sở tự viện Phật giáo. Các học viện có chức năng đào tạo: Đại học, cao đẳng, thạc sỹ, tiến sỹ.  

Gần 40 năm qua, trải qua các thế hệ lãnh đạo, bằng nguồn vốn xã hội hóa, HVPGVN tại Hà Nội đang ngày càng được xây dựng hiện đại, đáp ứng nhu cầu dạy và học. Tòa nhà Viên Quang đưa vào sử dụng cuối năm 2019, với hệ thống phòng học, giảng đường, thư viện, thiền đường, phòng tiếp khách... đạt tiêu chuẩn cao.

Tháng 7/2021, học viện hoàn thành khu nhà trai đường phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho tăng ni.

Bảo tháp Viên Quang, nơi thờ xá lị Hòa thượng Thích Thanh Tứ, nguyên Viện trưởng HVPGVN tại Hà Nội được hoàn thành vào giữa năm 2019.

Chặng đường phía trước còn dài, HVPGVN tại Hà Nội luôn thực hiện sứ mệnh cao cả đào tạo những thế hệ tăng ni sinh vừa uyên thâm về giáo lý Phật giáo, giữ gìn tinh hoa, cốt lõi của giáo lý Phật giáo, vừa thâm nhập vào đời sống thực tiễn tu hành, đủ khả năng để truyền tải Phật pháp ứng dụng giúp quảng đại quần chúng nhân dân và Phật tử nhận thức đúng, hiểu sâu chân lý Phật, nhằm giải quyết các các vấn nạn thực tế đặt ra trong đời sống đương đại, để giáo dục Phật giáo luôn là nguồn lực cho sự phát triển.

Trà Vân
 

Tin cùng chuyên mục