Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử, tĩnh lặng mà uy nghiêm giữa núi rừng


TLYT - Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử còn có tên gọi khác là chùa Long Động, chùa Lân, viện Kì Lân, thuộc địa phận thôn Nam Mẫu, xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.

Toàn cảnh Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử 

Tên chùa là Long Động (龍洞寺) ít nhất có từ thời Lê. Một số văn bia hiện còn tại chùa như văn bia trên tháp Tịch Quang, tháp Bảo Quang, tháp Liên Phương… có niên đại thời Lê đều cho biết chùa có tên là Long Động. Có truyền thuyết nói rằng tên chùa Long Động có từ thời Trần, khi vua Trần Nhân Tông và đệ tử Bảo Sái trên đường vào Yên Tử tu hành, gặp lúc trời tối liền nghỉ lại tại đây. Ban đêm, vua mơ thấy mình cưỡi rồng vàng bay vào trong một hang động rất đẹp, có hồ nước lung linh đầy hoa sen nở, tỏa ngát hương thơm. Khi tỉnh dậy, vua kể lại cho Bảo Sái nghe và đặt tên chùa là Long Động. Dân gian vẫn thường gọi là chùa Lân. Theo Nguyễn Bá Lăng trong Kiến trúc Phật giáo Việt Nam thì “Long Động tự, tục gọi là chùa Lân vì bên cạnh có quả núi giống hình con lân[1]. Người dân địa phương thì giải thích tên chùa Lân theo cách khác, rằng ngày xưa, vào mùa mưa, vùng Nam Mẫu ngập trắng nước, suối chảy mạnh, muốn vào chùa phải dùng bè mảng, nhà chùa phải căng dây cho khách bám, lân dây đi vào. Do việc lân dây nên chùa lâu dần trở thành quen mỗi khi mùa nước ngập, được người dân gọi là chùa Lân.

 
 

Sau khi về Yên Tử xuất gia tu hành một thời gian, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã cho xây dựng nơi đây thành một nơi khang trang, chùa Lân trở thành viện Kì Lân (麒麟院), là nơi giảng đạo và độ tăng với quy mô lớn. Trúc Lâm Sơ Tổ Trần Nhân Tông, Đệ Nhị Tổ Pháp Loa và Đệ Tam Tổ Huyền Quang thường đến đây thuyết pháp, giảng kinh cho học chúng. Tam tổ thực lục còn chép buổi khai đường thuyết pháp của Trúc Lâm Điều Ngự ngày 9, tháng giêng, năm Bính Ngọ (1306) tại viện Kì Lân.[2] Còn tên thiền viện Trúc Lâm Yên Tử là do Hòa thượng Thích Thanh Từ[3] khởi xướng, với mong muốn khôi phục và phát triển những giá trị của Phật giáo Trúc Lâm đời Trần.

Chùa xưa được xây dựng trên triền núi phong quang. Phía trước có đồi núi nhấp nhô tạo thành tiền án, lại có dòng suối chảy đêm ngày theo chiều từ phải sang trái. Hai bên có dãy núi cao tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ tạo thế tay ngai (long chầu hổ phục). Phía sau lưng có núi cao sừng sững làm hậu chẩm. Ngõ chùa Lân xưa to và đẹp, được xem là một trong ba cái nhất không thể so bì trong các ngôi chùa cổ thời Trần. Dân gian có câu: “Ngõ chùa Lân (to), sân chùa Muống (rộng), ruộng chùa Quỳnh (nhiều)”, điều này cũng đủ thấy chùa Lân là một ngôi chùa có tiếng.

 

Trong kháng chiến chống Pháp, chùa gần như bị thiêu hủy hoàn toàn, chỉ còn lại 23 ngôi tháp, mộ được xây dựng vào thời Lê và thời Nguyễn. Trong đó, nổi bật nhất là tháp Tịch Quang được xây dựng vào năm Bính Ngọ (1726), năm thứ 7 niên hiệu Bảo Thái, đời vua Lê Dụ Tông, thờ thiền sư Chân Nguyên Tuệ Đăng (1647 – 1726). Chân Nguyên Tuệ Đăng là một bậc danh tăng có công lớn trong việc xiển dương và phục hưng những giá trị của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, cũng là người kế đăng và truyền thừa dòng Lâm Tế tại Bắc Việt.

 
 
Tháp Tịch Quang thờ Thiền sư Chân Nguyên Tuệ Đăng 

Cuối thế kỉ XX, Ni sư Thích Đàm Châu về trụ trì tại chùa Lân, ngôi chùa khi đó chỉ là một dãy nhà cấp bốn, quy mô nhỏ bé, lợp ngói tây, do người dân trong vùng quyên góp xây dựng vào những năm 70 của thế kỉ XX.

Đầu thế kỉ XXI, công trình chùa Lân được trùng tu và xây dựng với quy mô to lớn, đồng thời được đặt thêm một tên mới là thiền viện Trúc Lâm Yên Tử. Năm 2003, Hòa thượng Thích Thông Phương[4] được bổ nhiệm làm trụ trì. Thiền viện được xây dựng với ba chức năng chủ yếu:

1. Là nơi nghiên cứu, bảo tồn, tàng trữ thư tịch, ấn phẩm văn hóa về Yên Tử và Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử;

2. Là nơi hướng dẫn tu thiền cho tu sĩ, Phật tử, và những ai muốn hành thiền theo hệ thống các thiền viện Trúc Lâm;

3. Là nơi tham quan, chiêm bái, hành hương, lễ Phật của du khách thập phương.

Các công trình xây dựng nằm trong vùng I với diện tích 125.198m2, gồm hai khu Nội viện và Ngoại viện với nhiều hạng mục công trình. Khu Nội viện gồm có thất Hòa thượng, Thiền đường, Thất tăng, Nhà tăng, Trai đường, Nhà bếp. Khu Ngoại viện gồm Tam quan, Trụ biểu, Chính điện, Tổ đường, Lầu chuông, Lầu trống, Chính pháp đường, Thư viện, Nhà trưng bày, Nhà khách tăng, Nhà khách ni, Tháp Phật, Tháp tăng, Hồ Tĩnh Tâm... Vùng II có diện tích 237.077m2, gồm toàn bộ cây rừng được bảo vệ nguyên trạng, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên cho núi rừng Yên Tử. Trong chùa, tượng thờ và pháp khí được bài trí đơn giản; toàn bộ hoành phi, câu đối đều được viết bằng chữ quốc ngữ.

 
Hồ Tĩnh Tâm 

Ngõ vào thiền viện Trúc Lâm Yên Tử dài hơn 100m, được lát bằng đá suối, có đoạn dốc thoai thoải, có đoạn phải đi trên các bậc đá xếp. Tại đây có một Trụ biểu bằng đá xanh mới được làm từ khi đại trùng tu chùa, phía trên ghi “Chùa Lân – Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử”. Qua Trụ biểu, đi tiếp lên các bậc đá là Tam quan, phía trên ghi “Chùa Long Động – Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử”. Tên chùa Lân hay chùa Long Động vẫn được sử dụng để người đời sau không quên tên gọi cũ của chùa. Hai bên lối vào chùa có 19 ngôi tháp, mộ thờ các Thiền sư từng tu học và trụ trì ở đây, được xây dựng từ thời Lê và Nguyễn.

 

Sân chùa được lát bằng đá công nghiệp với kích thước lớn, có hai ngôi tháp được xây bằng gạch. Bên trái có Lầu chuông, bên phải có Lầu trống xây trên cấp nền cao chín bậc thềm, hình tứ giác, hai tầng mái ngói, xung quanh xây lan can đá. Trước cửa Chính điện đặt một quả cầu Như Ý bằng đá hoa cương đỏ, đường kính 1.59m, nặng 6.5 tấn được lấy từ mỏ đá An Nhơn, Quy Nhơn, Bình Định. Quả cầu được đặt trên bệ đá có tiết diện vuông nặng 4.5 tấn. Tất cả nằm gọn trong hình bát giác với tám bồn hoa bao quanh, tượng trưng cho Bát chính đạo

 
  
Chính điện chùa Lân

Tòa Chính điện uy nghi rộng lớn, được xây theo khối hình vuông, chồng hai tầng tám mái, lợp ngói vẩy. Trên bờ nóc đắp hình Pháp luân (Bánh xe pháp), là biểu tượng của Phật Giáo. Các đầu đao uốn cong hình mây cuộn mềm mại. Toàn bộ cấu kiện bên trong đều bằng bê tông cốt thép. Gian giữa của Chính điện thờ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trong tư thế Niêm hoa. Tượng được làm bằng đồng, nặng gần bốn tấn, là pho tượng lớn nhất trong số các tượng thờ ở Yên Tử hiện nay. Hai bên thờ Bồ tát Văn Thù và Bồ tát Phổ Hiền. Phía sau tượng là một bức tranh phù điêu bằng đồng khổ lớn phác họa hình ảnh cây bồ đề và dãy núi Hymalaya. Phía trước tượng thờ có một bức cửa võng lớn bằng gỗ, chạm trổ hình hoa thị và hoa dây đan xen uốn lượn. Hai bên cột trụ treo đôi câu đối lớn bằng chữ quốc ngữ:

“Phật pháp chỉ rành nẻo vào luân hồi đường giải thoát;

Thiền tông lối thẳng không theo thứ bậc đến chân như.”

 
 
Bên trong Chính điện  

Tổ đường được xây dựng phía sau Chính điện cũng với kiến trúc vuông và chồng diêm hai tầng mái như Chính điện. Bên trong Tổ đường thờ Tam Tổ Trúc Lâm thời Trần: Trúc Lâm Sơ Tổ Trần Nhân Tông, Đệ Nhị Tổ Pháp Loa và Đệ Tam Tổ Huyền Quang. Ba pho tượng được tạc bằng đồng, ngự trên đài sen trong tư thế kiết già. Phía sau tượng thờ là một tấm phù điêu bằng đồng cỡ lớn phác họa cảnh núi rừng Yên Tử và vườn tháp Tuệ Quang, phía trên treo một bức hoành phi “Vô sư trí vi tôn”. Hai bên treo đôi câu đối:

“Yên Tử non cao Chư Tổ mồi đèn truyền tâm ấn;

Trúc Lâm rừng vắng Điều Ngự nối đuốc lập tông phong.”

 
 
Ban thờ Trúc Lâm Tam Tổ 
 
 
Chính pháp đường 
 
 

Nhà trưng bày ở bên phải tòa Chính điện như một bảo tàng nhỏ của chùa, trưng bày những hiện vật khai quật ở chùa Lân, lưu giữ thư tịch, ấn phẩm về Yên Tử và Phật giáo Trúc Lâm.

Chùa Lân từ khi được trùng tu với quy mô to lớn đến nay, đã trở thành nơi tu học của đông đảo tăng, ni, Phật tử theo hệ thống Thiền viện Trúc Lâm với người khởi xướng tông phong là Hòa thượng Thích Thanh Từ; đồng thời là điểm tham quan, chiêm bái của du khách thập phương mỗi mùa hội xuân Yên Tử. Hiện tại, nơi đây có 60 vị tăng, ni đang tu học, hàng ngày hành trì công khóa tọa thiền kết hợp với nghi thức khóa lễ sám hối sáu căn của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử.

 
 

Hàng năm, ngoài ba tháng lễ hội xuân Yên Tử (từ ngày 10 tháng giêng đến hết tháng ba), thiền viện còn tổ chức các ngày lễ lớn theo truyền thống của Phật giáo và tông môn, thu hút hàng nghìn tín đồ, Phật tử về tham dự: Lễ Vu lan, Lễ Phật đản, Lễ Phật thành đạo, Lễ tưởng niệm ngày Trúc Lâm Sơ tổ Trần Nhân Tông nhập Niết bàn, Lễ tưởng niệm ngày Đệ Nhị tổ Pháp Loa viên tịch, Lễ tưởng niệm ngày Đệ Tam tổ Huyền Quang viên tịch, Lễ tưởng niệm ngày Thiền sư Chân Nguyên viên tịch. Ngày chủ nhật tuần thứ tư của mỗi tháng, thiền viện đều có khóa tu tập cho các đạo tràng Phật tử. Mỗi mùa hè, thiền viện tổ chức nhiều khóa tu cho thanh thiếu niên với số lượng trung bình 1000 thiền sinh mỗi khóa phân theo từng lứa tuổi.

 
Các em thiếu nhi tập tọa thiền trong một khóa tu mùa hè 
 
 

Cho đến nay, thiền viện Trúc Lâm Yên Tử là công trình có diện tích mặt bằng lớn nhất với quy mô kiến trúc khang trang, bề thế nhất trong hệ thống các chùa, tháp tại Yên Tử và quy tụ được rất đông đảo tín đồ, Phật tử.

Thích Nữ Mai Anh

 



[1] Nguyễn Bá Lăng, Kiến trúc Phật giáo Việt Nam, tập I, Viện Đại học Vạn Hạnh, 1972, tr.128.

[2] Tam Tổ thực lục, kí hiệu VHV.1800/8 lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, tờ 36a – 39b.

[3] Hòa thượng Thích Thanh Từ - Phó pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ tháng 11 năm 2017 đến nay.

[4] Hòa thượng Thích Thông Phương – Phó Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.