Phương pháp niệm Phật của vua Trần Thái Tông trong Khóa Hư Lục



TLYT - Trần Thái Tông (1218 - 1277), tên húy là Trần Cảnh, là vị vua đầu tiên của nhà Trần, lên ngôi từ năm 8 tuổi. Ông là một vị hoàng đế anh minh, mở đầu cho một triều đại huy hoàng trong lịch sử dân tộc; một thiền sư lỗi lạc, một cây đuốc sáng của Thiền học Việt Nam.

Trần Thái Tông sinh ra trong thời kì Phật giáo đã rất phổ biến, có vị thế vững chắc, có tầm ảnh hưởng lớn trong triều đình và xã hội thời Lý. Cho dù ở thời hậu Lý đã xuất hiện nhiều tệ lậu nhưng cao tăng vẫn nhiều, các pháp môn tu tập và truyền thống sinh hoạt Phật giáo cũng đã được định hình. Những đau khổ và dày vò trong nội tâm mà Trần Thái Tông phải chịu đựng từ thuở còn trai trẻ, khi bị Trần Thủ Độ ép bỏ người vợ là Chiêu Thánh để cưới chị dâu Thuận Thiên đang có bầu cũng là một trong những động lực thúc đẩy vua quyết tâm tu học Phật. Mang gánh nặng lợi ích của dòng tộc trên vai, lại phải gánh chịu những oan nghiệt và hi sinh cái cá nhân nhỏ bé, người trai trẻ ấy lên Yên Tử tìm Phật, cầu làm Phật và được Quốc sư Viên Chứng dạy rằng “Trong núi vốn không có Phật, Phật ở trong tâm ta. Nếu tâm lắng lại và trí tuệ xuất hiện, đó chính là Phật.” (Tựa thiền tông chỉ nam). Quốc sư cũng nhắc vua rằng, “Phàm làm đấng quân vương, phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tâm thiên hạ làm tâm mình” để rồi người trai trẻ ấy nhớ lời Quốc sư dạy, trở về làm vua, chăm lo cho muôn dân; tuy bộn bề quốc sự nhưng cũng không quên tu học Phật pháp đến độ uyên thâm, liễu đạo. Vua viết nhiều tác phẩm như Thiền tông chỉ nam, Kim cương tam muội chú giải, lục thời sám hối khoa nghi, Bình đẳng lễ sám văn, Khóa hư lục Thi tập. Trong đó, ngoài Khóa hư lụcLục thời sám hối khoa nghi còn đầy đủ, thì Thi tập chỉ còn vài bài, các tác phẩm khác chỉ còn bài tựa và đều được in lại trong Khóa hư lục.

Khóa hư lục ghi chép lại phương thức, hay quá trình tu tập Phật đạo một cách tinh tiến, nỗ lực kiên trì trên tinh thần tự do phá chấp, vô niệm, không để bị trói buộc bởi những giáo điều. Tác phẩm được ví như Pháp bảo của Phật giáo Trúc Lâm đời Trần với những phương pháp, đường hướng tu tập, hành trì rất rõ ràng và cụ thể để đạt tới giác ngộ, giải thoát; chứa đựng cả bản thể luận, nhận thức luận và triết lý đạo đức - nhân sinh; là sự tổng hợp, dung hòa các yếu tố Thiền, Tịnh, Nho, Lão, trên cơ sở nòng cốt là Thiền.

Nội dung cốt lõi trong tư tưởng thiền học của Trần Thái Tông được nói rõ ở bài Tọa thiền luận của Khóa hư lục, với tư tưởng “Kiến tính”. Ngoài ra, một phương pháp hành thiền khác, đó là sự kết hợp giữa trì giới, niệm Phật, tọa thiền và sám hối theo pháp môn tiệm ngộ. Tiếp nối truyền thống của các thiền sư thời Lý, Trần Thái Tông nhấn mạnh vai trò của niệm Phật trong việc tu tập thiền định, và niệm Phật cũng là một phương pháp hành thiền, dù niệm Phật vẫn thường được biết đến như một pháp môn tu Tịnh độ. Ta thấy rõ điều này ở Niệm Phật luận trong Khóa hư lục.

Quan niệm về Tịnh độ là một quan niệm rất quan trọng trong Phật giáo. Tịnh độ là nơi cư ngụ của mười phương chư Phật và Bồ Tát. Nơi đó thuần khiết, thanh tịnh, không phải chịu những khổ đau của sáu cõi. Kinh Phật nói mười phương chư Phật, chư Bồ Tát với tâm đại bi, muốn cứu giúp chúng sinh nên đã tạo ra vô số cõi Tịnh độ. Chỉ cần chúng sinh tịnh tâm tu tập, lòng tin chân tịnh thì có thể thoát khỏi biển khổ luân hồi lục đạo mà đến ngay cõi Tịnh. Tín ngưỡng Tịnh độ được du nhập vào Trung Hoa cũng khá sớm, cùng với sự truyền dịch không ngừng của kinh Phật; kinh Phật thuyết Vô lượng thọ, Phật thuyết quán Vô lượng thọ kinh A Di Đà trở thành cơ sở nền tảng cho pháp môn Tịnh độ, trong đó phương pháp niệm Phật là căn bản.

Đầu thế kỉ thứ V, pháp môn niệm Phật được Huệ Viễn khởi xướng ở miền Nam Trung Hoa, chú trọng vào phương pháp “Quán tưởng niệm Phật”, không giống với “Trì danh niệm Phật” ngày nay. “Quán tưởng niệm Phật” dựa trên cơ sở của Thiền định, căn cứ vào những ghi chép trong kinh Phật, quán tưởng thế giới Tây phương Cực lạc, về những cảnh thù thắng vi diệu nơi Tịnh độ và người tu trì phát nguyện sinh về cảnh giới này, tu hành đạt đến “Phật và mình hòa làm một”. Sang thế kỉ thứ VI, Đàm Loan với thuyết “hai con đường năng lực” (tư lực và tha lực) đã đặt nền móng vững chắc cho nền giáo dục Tịnh độ tông Trung Hoa về sau, ông thực hành kết hợp giữa “Quán tưởng niệm Phật” của Huệ Viễn và “Trì danh niệm Phật” do ông sáng tạo ra, mở nguồn cho hậu thế cách tu tập miệng niệm Phật và đọc tụng danh hiệu Phật. Tiếp đến là Đạo Sước, Thiện Đạo… Tịnh độ tông ở Trung Hoa phát triển mạnh mẽ, ảnh hưởng đến các tông phái khác và được truyền bá sang các nước có Phật giáo đại thừa như Nhật Bản, Cao Ly... và cả Việt Nam.

Ở Việt Nam, từ trước thế kỉ thứ III, người Phật tử đã bước đầu tiếp xúc với tín ngưỡng Tịnh độ. Trong Cựu tạp thí dụ kinh, truyện 60 ta thấy xuất hiện danh hiệu Phật A Di Đà. Lục độ tập kinh do thiền sư Khương Tăng Hội (thế kỉ thứ III) dịch cũng đã đề cập đến pháp môn niệm Phật. Sang thế kỉ thứ V, Đàm Hoằng – một tăng sĩ người Trung Hoa chuyên hành trì pháp môn Tịnh độ đã sang Việt Nam tu học và hoằng hóa, chuyên trì kinh Phật thuyết Vô lượng thọ Phật thuyết quán Vô lượng thọ (Theo Cao tăng truyện của Lương Tuệ Kiểu). Lúc này, tư tưởng Tịnh độ đã phát triển và trở thành một trào lưu ở nước ta, nhưng khác với Trung Hoa ở chỗ không hình thành tông phái độc lập và không hề có những tranh luận với các hệ tư tưởng khác. Trong 5 thế kỉ tiếp sau đó, ta không thấy tư liệu nào nói về tư tưởng Tịnh độ, nhưng có thể chắc chắn rằng nó vẫn phát triển và hòa nhập với nền Phật giáo Thiền, mà nền Phật giáo Thiền ấy pha cả khuynh hướng Mật, dung hợp với Nho, Lão và tín ngưỡng bản địa. Từ thế kỉ thứ XI (thời Lý) trở đi, khuynh hướng Tịnh độ phát triển rộng rãi và có vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa, tâm linh của tín đồ, Phật tử. Việc một thiền sư của Đại Việt sử dụng phương pháp niệm Phật trong tu học và hướng dẫn tín đồ là chuyện rất bình thường, không hẳn để cầu sinh Tây phương cực lạc mà như một pháp môn bổ trợ cho sự tu tập. Nên vua Lý Thánh Tông (thế hệ thứ nhất dòng thiền Thảo Đường) đã cho tạc pho tượng Đức Phật A Di Đà có một không hai trong lịch sử nghệ thuật điêu khắc của dân tộc, thờ tại chùa Phật Tích (Vạn Phúc Tự). Tiếp sau đó nhiều pho tượng Phật A Di Đà cũng được tạc dựng và thợ tự. Thiền uyển tập anh ghi nhận một số thiền sư đời Lý đã vận dụng tu tập và hành trì theo pháp môn Tịnh độ như thiền sư Tịnh Lực, thiền sư Trì Bát…

Trần Thái Tông – vị Hoàng đế Thiền sư đầu tiên của nhà Trần hẳn nhiên đã nắm rất rõ về pháp môn Tịnh độ vốn đã thịnh hành từ thời Lý với các phương pháp niệm Phật cơ bản như “Trì danh”, “Quán tưởng”, “Quán tượng” (hoặc Quán tướng) và “Thực tướng niệm Phật”, mà phổ thông đối với tín đồ vẫn là “Trì danh niệm Phật”. Từ đó, vua đã học hỏi, tiếp thu tinh hoa của những cái đã có và phát triển, trình bày phương pháp niệm Phật dưới cái nhìn của Thiền, để phù hợp với tinh thần hợp nhất các thiền phái, chủ trương hình thành Phật giáo Nhất tông; cũng như phù hợp với yêu cầu của người Phật tử đương đại, không cố chấp vào pháp môn tu, không cố chấp vào hình tướng tại gia xuất gia, ở rừng núi hay ở phố thị, chỉ cốt “biện tâm”. Tất cả cùng chung một mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước Đại Việt phồn vinh, thịnh vượng, tốt đời đẹp đạo.

Mở đầu Niệm Phật luận, vua viết: “Niệm Phật là điều khởi dậy do tâm. Tâm khởi dậy điều thiện thì là ý nghĩ thiện. Ý nghĩ thiện khởi dậy thì thiện nghiệp báo lại. Tâm khởi dậy điều ác là ý nghĩ ác. Ý nghĩ ác nảy sinh thì ác nghiệp ứng theo. Như gương hiện ảnh, như bóng theo hình. Nay kẻ tu hành muốn khơi dậy ý nghĩ chân chính để dập tắt ba nghiệp, cũng là nhờ công niệm Phật vậy” [1, tr. 84 – 85].

 Vậy thì phương pháp niệm Phật này mục đích là tịnh hóa tam nghiệp, giữ cho tâm mình trong sạch, thanh tịnh, không để cấu trần làm vấy bẩn, bằng cách loại bỏ niệm xấu ác và thay vào đó bằng niệm thiện. Một người bình thường hằng ngày niệm niệm tương tục dấy khởi có lúc nào ngừng, nếu tâm ý không thể dừng lại được vậy thì hãy thay những niệm xấu bằng một niệm lành, giống như thay một cái chốt. Như như vậy, công phu niệm Phật này cần được hành trì liên tục để cho 3 nghiệp được thuần khiết dần.

Trong thời đại thiền tông đang phát triển rực rỡ như thời Lý và sang đầu thời Trần thì niệm Phật được xem là pháp tu dễ hành và bình dân, nên học giả trí thức thường ưa tham vấn lý thiền hơn là những phương pháp thực hành đơn giản. Nhưng ở Niệm Phật luận, ta thấy Trần Thái Tông gọi hành giả niệm Phật là bậc trí (trí giả), cõ lẽ để phá cái chấp thường tình của người học Phật. Nên đầu tiên Ngài giảng cái lý của niệm Phật đề người đọc chớ nghĩ rằng niệm Phật không có cái lý sâu xa, sau đó nêu ba phương pháp tu hành từ khó đến dễ của pháp môn niệm Phật dành cho ba hạng căn cơ từ cao đến thấp (thượng trí, trung trí và hạ trí). Đây chính là sự khéo léo thuận theo tâm lý thường tình ưa tu pháp cao, chê pháp thấp, muốn nghe lý mầu nhiệm rồi bất ngờ bẻ gãy lòng kiêu mạn của người học đạo:

“Bậc thượng trí thì tâm tức Phật, không phải nhờ thêm sự tu hành. Ý nghĩ là bụi trần không vướng một mảy. Ý nghĩ bụi trần vốn tịnh, cho nên nói ‘như như không động tức là thân Phật’. Thân Phật tức là thân ta không có hai tướng…

Bậc trung trí ắt nhờ vào niệm Phật. Chú ý tinh cần, luôn luôn niệm mà không quên thì tâm mình ắt tự thuần thiện. Ý nghĩ thiện đã hiện ra thì ý nghĩ ác sẽ tiêu tan. Dùng ý nghĩ mà ý thức về ý nghĩ thì mọi ý nghĩ đều bị diệt hết. Khi ý nghĩ đã bị tiêu diệt ắt trở về chính đạo…

Kẻ hạ trí miệng chuyên cần niệm lời Phật, lòng mong thấy hình tướng Phật, thân nguyện sinh ở nước Phật, ngày đêm tu hành chăm chỉ, không thoái chí thay đổi, như vậy đến khi mệnh hết qua đời sẽ theo ý nghĩ thiện mà được sinh ở nước Phật; sau đó lĩnh hội được chính pháp mà chư Phật nêu ra và chứng được Bồ đề, cũng được Phật quả” [1, tr. 85].

Đối với bậc thượng trí thì niệm Phật đã đạt đến thuần thục, vô niệm mà không còn phải dụng công nữa. Khi còn niệm (ý nghĩ) tức là còn bụi trần, dù là niệm thiện hay niệm Phật. Tu mà đạt đến cảnh giới vô niệm, là cảnh giới thiền cao tuyệt mà thiền giả nào cũng muốn đạt đến, “niệm nhi vô niệm”. Đạt được cảnh giới này thì khác gì “Phật sống”, “tâm tức Phật”, mà “thân Phật cũng là thân ta”. Pháp niệm Phật với bậc thượng trí cũng như Thực tướng niệm Phật, “niệm Phật niệm tâm, tâm niệm Phật”, niệm mà vô niệm, hành giả an trụ trong thiền định. Đời Trần có một nhân vật được Trúc Lâm sơ tổ Trần Nhân Tông xưng tán là bậc Thượng sĩ, đó là Tuệ Trung, là người “hòa quang đồng trần”, tức là hòa ánh sáng của mình vào cuộc đời bụi bặm và làm cho đời sáng đẹp hơn. Tuệ Trung chính là nhân vật tiêu biểu cho bậc thượng trí niệm Phật: tiêu diêu, tự tại, thấu đạt thiền lý, cho nên mới ở trong bụi trần mà không nhiễm trần. Nhưng người học Phật, tu Phật phải tự mình phản tỉnh, nếu tự xét thấy mình chưa phải là Phật sống ở đời, hay có căn cơ của bậc thượng trí thì đừng vọng tâm tìm cầu pháp tu cao, chê pháp tu thấp, rồi lại mênh mênh mang mang không biết phải hạ thủ công phu thế nào, toàn nói thiền lý cao siêu mà ngộ nhận chứng đắc.

Bậc trung trí là người căn tính lanh lẹ, có tinh thần cầu đạo, muốn đạt giác ngộ ngay trong đời này nên tinh cần niệm Phật. Vua Trần Thái Tông đã định hướng cho người học Phật, tu Phật thật khéo. Ai tự thấy mình là bậc trung trí, có căn tính lanh lẹ thì tinh cần niệm Phật để tâm tư thuần thiện, nhưng không cầu sinh Tây phương cực lạc xa xôi sau khi chết mà giải thoát ngay trong cuộc đời trần tục, giải thoát cho tâm hồn bằng cách dùng niệm thiện để dứt trừ niệm ác, và xoay trở lại, niệm chính những ý niệm đang dấy khởi trong tâm để niệm niệm vắng bặt, lắng trong, khi đó tâm tư bừng sáng. Đó là chính đạo, là giải thoát.

Bậc hạ trí tuy căn cơ thấp hơn nhưng phù hợp với đại đa số quần chúng, tuy vụng mà lại thành khéo, bởi biết tự lượng sức mình mà thành tâm, thành ý, khiêm tốn, chuyên cần niệm Phật theo sự chỉ dạy của các bậc tôn sư mà không sinh lòng kiêu mạn hay tham chấp pháp tu cao. Ở đây, bậc hạ trí chỉ dùng niềm tin và hạnh nguyện thiết tha để niệm Phật, sợ đọa sông mê mà cầu sinh về nước Phật. Biết sức yếu nên cầu nương tha lực, điều này hoàn toàn phù hợp và nếu chí thành, tha thiết, tinh tiến niệm Phật không thoái chuyển chắc chắn đạt được kết qủa tốt đẹp đúng như vua nói “theo ý nghĩ thiện mà sinh về nước Phật”. Ta thấy phương pháp này cũng giống như phương pháp “Trì danh niệm Phật”, kết hợp đầy đủ cả Tín, Nguyện và Hạnh trong truyền thống Tịnh độ, chỉ có điều trong văn bản Niệm Phật luận, vua không nói cụ thể là niệm danh hiệu vị Phật nào, cho đến Tuệ Trung, Trần Nhân Tông thì nêu rõ là đức Phật Di Đà.

Ba hạng căn cơ thượng – trung – hạ gồm thâu tất cả mọi tầng lớp trong xã hội và bởi vậy ai ai cũng có thể tu tập pháp môn này được. Tuy căn tính khác nhau nhưng nếu chuyên tâm tu học kết quả đạt đến là như nhau. Trong ba hạng này vua nhấn mạnh đến phương pháp tu tập cho đại đa số quần chúng, đó là bậc hạ trí, vì tu tập phải đi từ căn bản, từ dễ đến khó, giống như xây nhà cần phải xây nền móng trước: “Như muốn niệm Phật, hãy lấy cách của kẻ hạ trí làm đầu? Sao vậy? Bởi vì có sự chú ý mà thôi. Ví như làm một tòa lâu đài ba tầng mà không làm tầng dưới trước, đó là điều chưa từng có vậy” [1, tr. 85].

Bậc thượng trí nói thì dễ, làm thì khó, đôi khi ta tự cho mình là mắt sáng không cần ai dẫn dắt, có thể tự soi đường mà đi trong đêm tối nhưng tầm nhìn còn giới hạn nên vẫn có thể lâm nạn. Bậc trung trí tuy phúc thiện sâu dày, lậu hoặc còn lại rất ít, chỉ như hòn sỏi nhỏ so với tảng đá lớn của kẻ phàm phu, nhưng thả xuống nước vẫn chìm đắm như thường nếu không nương nhờ thuyền từ của chư Phật. Tổ Bách Trượng khi thiết lập thành quy tùng lâm đều nhắc các thiền tự khi có thiền sư sắp viên tịch thì các vị khác phải đồng niệm danh hiệu Phật A Di Đà cầu cho vị đó vãng sinh Tịnh độ. Vua Trần Thái Tông trong Khóa hư lục cũng nhắc nhở người tu hành nếu xét thấy mình chưa chứng được Phật tâm, chưa ngộ được ý Tổ thì chớ có xa rời trì giới, tụng kinh. Vì kinh do Phật thuyết, niệm danh hiệu Phật là niệm Pháp thân Phật, vậy cũng là niệm tối thắng chân ngôn, tối thắng kinh. Hơn nữa, miệng chuyên cần niệm danh hiệu Phật, tập trung chuyên nhất vào một đối tượng gọi là “chỉ”, nhờ “chỉ” mà tâm ý lắng lại, khi đó những móng khởi thiện ác hiện khởi trong tâm có thể được nhận diện và nếu đó là niệm xấu thì phải sám hối, chuyển niệm ác thành niệm thiện, tức thanh tịnh dần tam nghiệp. Đó cũng là một cách tu tập thiền kết hợp với niệm Phật, sám hối của vua. Do vậy, người hành thiền chân chính không chê pháp môn niệm Phật, người niệm Phật chân chính chẳng phản đối thiền, cảnh giới chứng đắc, giác ngộ của một thiền giả và một hành giả Tịnh độ là như nhau. Chẳng những Thiền, Tịnh không chống trái nhau mà cả Mật, Giáo hay Luật cũng đều bổ trợ cho nhau, tất cả quy chung về một con đường giải thoát Giới – Định – Tuệ. Điều này đúng với mong muốn xây dựng Phật giáo Nhất tông của Hoàng đế Trần Thái Tông.

Như vậy, qua Niệm Phật luận, ta thấy sự khéo léo vận dụng pháp môn niệm Phật vào phương pháp tu tập và hành thiền của vua Trần Thái Tông; niệm Phật như một cách đơn giản nhất để phát khởi chính niệm, loại bỏ tham, sân, si và giữ gìn tam nghiệp thanh tịnh, tức là để “biện tâm”; chú tâm hướng nội tìm lại bản tâm mình, biết tâm mình là Phật, nhưng vẫn không xa rời các pháp môn phương tiện để đưa đến cứu kính giải thoát. Vua Trần Thái Tông đã biết kế thừa những nền tảng tư tưởng và phương thức tu tập, hành trì trước đó (cụ thể là thời Lý) để xác lập phương pháp tu trì phù hợp với yêu cầu của thời đại. Phương pháp này trở thành phương thức niệm Phật của Phật giáo Trúc Lâm đời Trần mà những nhà tư tưởng sau như Tuệ Trung Thượng Sĩ, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông đều nhất quán quan điểm nhưng có sự phát triển lên. Tuệ Trung nói “Thân báu Di Đà tại đáy lòng” “Di Đà chính thực Pháp thân ta” (Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục). Trần Nhân Tông đặc biệt nhấn mạnh cõi Tịnh độ tại nhân gian, “Tịnh độ là lòng trong sạch chớ còn hỏi đến Tây phương; Di Đà là tính sáng soi, mựa phải nhọc tìm về cực lạc(Cư Trần Lạc Đạo Phú), vì vậy cho nên mới có thể “Cư trần lạc đạo”. Tịnh độ là bây giờ và ở đây, chỉ cần giữ cho lòng mình trong sạch thì cõi Phật hiện tiền, tâm khai trí sáng thì ta là Phật, cho nên người Phật tử Đại Việt vừa có thể ở đời, cống hiến cho đời mà vẫn vui với đạo.

Thích Nữ Mai Anh
Lớp Thạc sĩ Phật học Khóa I - Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội
Tạp chí Khuông Việt, số 52, tháng 12/2020. 

Tài liệu tham khảo:

[1] Thơ văn Lý Trần, tập 2, NXB Khoa học Xã hội, 1977.

[2] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận (toàn tập), Công ty sách Thời Đại & NXB Văn học, 2014.

[3] Hòa thượng Thích Thanh Kiểm, Lịch sử Phật giáo Trung Quốc, NXB Dân Trí, 2020.

[4] Thích Phước Đạt, “Phương thức niệm Phật đời Trần”, Báo Giác Ngộ, https://giacngo.vn/phathoc/2010/01/06/7E5248/

[5] Thích Tâm Hải, “Tìm hiểu về trào lưu Tịnh độ tại Việt Nam”, Thư Viện Hoa Sen, https://thuvienhoasen.org/a6955/tim-hieu-ve-trao-luu-tinh-do-tai-viet-nam

[6] HT.TS. Thích Thanh Đạt, GS. Lương Gia Tĩnh, Bài giảng Tư tưởng Phật học Trần Thái Tông, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội (lưu hành nội bộ).